Đến 30/6/2018, cả nước có 1.181 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với 1.590.963 thành viên.
Ngày 28/8, NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) năm 2018. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì hội nghị, tham dự có Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Đoàn Thái Sơn. Ngoài ra, còn có đại diện một số bộ, ban ngành, cơ quan trên địa bàn Hà Nội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị
Hội nghị sẽ là cơ sở để NHNN hoàn thiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình Chính phủ phê duyệt; là cơ sở để các đơn vị thuộc NHNN và các QTDND tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại hệ thống QTDND trong thời gian tới đã được nêu trong Đề án 1058 (Quyết định số 1058/QĐ-TTg).
Đến 30/6/2018, cả nước có 1.181 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với 1.590.963 thành viên. Nhìn chung hoạt động của hệ thống QTDND tương đối ổn định; các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng, bộ máy hoạt động của các QTDND tương đối ổn định, hầu hết các QTDND kinh doanh có lãi.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, hệ thống QTDND đã được Ban lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo củng cố, chấn chỉnh quyết liệt, toàn diện, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình hợp tác xã; chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới QTDND theo hướng ưu tiên thành lập ở những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có dịch vụ ngân hàng phát triển.
NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các QTDND đã nỗ lực xây dựng và triển khai có kết quả, đúng lộ trình Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng QTDND, tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở các địa phương, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, việc khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của một số QTDND tại một số địa phương, đặc biệt là các QTDND yếu kém, có nơi, có lúc chưa đạt kết quả như mong muốn và ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của hệ thống QTDND nói riêng, cũng như hoạt động ngân hàng nói chung. Vẫn còn một bộ phận QTDND chưa hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên theo nguyên tắc mô hình hợp tác xã; một số QTDND chạy theo mục tiêu lợi nhuận, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và đại diện một số QTDND đã phát biểu thảo luận và đưa ra các kiến nghị đề xuất với lãnh đạo NHNN.
Kết luận hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, thời gian tới các QTDND phải đặc biệt quan tâm và coi an toàn hoạt động lên hàng đầu. Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng sẽ phối hợp với các vụ, cục liên quan triển khai xây dựng Chỉ thị riêng cho hệ thống các QTDND để các quỹ tự rà soát, chấn chỉnh đảm bảo an toàn hoạt động của mình trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thống đốc cũng yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng phải tổng rà soát lại các văn bản pháp lý, các thông tư, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho hệ thống QTDND, đảm bảo các quỹ hoạt động theo đúng bản chất, tôn chỉ, mục tiêu được quy định tại Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã. Cùng với đó, Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, phải quán triệt tiếp tục kiểm tra giám sát các đề án cơ cấu lại các quỹ đã được phê duyệt. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024