26.06.2018 09:11

Co-opBank: Tăng năng lực cạnh tranh cho QTDND

Với việc phát triển và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, các  QTDND không chỉ có thêm dịch vụ mới thiết thực với các thành viên của các QTDND, mà còn là sợi dây tạo sự gắn bó hơn giữa NHHT với QTDND, góp phần nâng cao uy tín của QTDND trên địa bàn...

Được đánh giá cao về khả năng tiếp cận người dân, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm dịch vụ đơn điệu khiến hoạt động các QTDND gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu giao dịch của thành viên, người dân  ngày càng tăng và các TCTD đang trong chiến lược mở rộng thị phần về nông thôn.

 

Ngày càng nhiều QTDND có nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ từ NHHT 

Chính vì vậy, việc Ngân hàng Hợp tác xã (NHHT) mở rộng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng giúp các QTDND gia tăng được tính ưu việt của mình trong chấ́t lượng phục vụ, tính tiện ích và sự đa dạng của các dịch vụ cung cấp cho thành viên và khách hàng.

Là một QTDND vừa bước qua tuổi thứ 5, hoạt động QTDND Tân Hà, tỉnh Lâm Đồng gặp không ít áp lực phát triển khi ngoài kia các TCTD đã vươn đến từng làng bản. Chính vì vậy việc có thêm các sản phẩm dịch vụ ngân hàng từ NHHT trở thành điểm tựa mới cho sự phát triển của Quỹ.

Như dịch vụ chuyển tiền điện tử, tham gia từ cuối tháng 12/2014, sau 3 năm triển khai thực hiện đã cho thấy những hiệu ứng tích cực. Riêng năm 2017 với 16.565 món chuyển khoản với số tiền khoảng 543 tỷ đồng, sản phẩm chuyển tiền điện tử (CF-ebank) không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, buôn bán, chuyển tiền cho con đi học của người dân địa phương, cũng như thành viên QTDND Tân Hà mà còn góp phần giúp Quỹ có thêm doanh thu dịch vụ đạt hơn 400 triệu đồng. Một con số ấn tượng  góp phần gia tăng  hiệu quả hoạt động chung của Quỹ trong bối cảnh dư nợ tín dụng của Quỹ hầu như không tăng so với năm 2016.

Một sản phẩm khác có tác động không nhỏ đến quy mô và chất lượng hoạt động của Quỹ đó chính là sản phẩm cho vay hợp vốn cùng NHHT. Dù mới triển khai từ tháng 5/2017,  song chỉ đến cuối năm dư nợ cho vay hợp vốn đã lên tới hơn 50,6 tỷ đồng.

Giám đốc QTDND Lê Ngọc Thông kể lại: “Ngay khi được NHHT giới thiệu, Quỹ thấy rằng đây là một sản phẩm rất hay và có lợi cho đơn vị, góp phần giải quyết được khó khăn về nguồn vốn cho QTDND Tân Hà, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Nguồn vốn này giúp Quỹ mở rộng cho vay 916 lượt thành viên vay vốn. Bên cạnh dư nợ của Quỹ đến cuối năm 2017 đạt gần 101 tỷ đồng.

Đó chỉ là một trong các Quỹ được thụ hưởng giá trị từ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mà NHHT đã xây dựng và triển khai trong những năm qua. Cùng với sự vận hành của mô hình NHHT - Ngân hàng của các QTDND, NHHT đã tập trung xây dựng và đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ra hệ thống QTDND.  Trong đó, hoạt động thanh toán của NHHT được duy trì và phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, vừa tập trung củng cố và hoàn thiện nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật, vừa mở rộng mạng lưới thanh toán theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020.

Tính đến 31/12/2017, NHHT đã đào tạo chuyển giao và kết nạp 438 QTDND thành viên tham gia kết nối thanh toán. Hiện tại mạng lưới thanh toán của hệ thống có 533 điểm gồm 32 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và 438  QTDND. Riêng năm 2017, giao dịch chuyển tiền đi của các QTDND là 246.654 món tăng 42% so với năm trước với số tiền là 11.015 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Giao dịch chuyển tiền đến đạt 28.506 món tăng 45% so với năm trước với số tiền 1.987 tỷ đồng tăng 60% so với năm trước đó.

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của thành viên cũng như hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND, NHHT đã triển khai dịch vụ thấu chi tài khoản thanh toán đối với các QTDND tham gia hệ thống CF-ebank. Năm 2017 có 287 QTDND được cấp hạn mức thấu chi với số tiền 312,1 tỷ đồng trong đó 250 QTDND đã sử dụng hạn mức thấu chi với doanh số 1.767 tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank hoạt động an toàn hiệu quả đã phục vụ tốt cho công tác điều hòa vốn giữa NHHT với QTDND đồng thời cung ứng dịch vụ chuyển tiền đáp ứng nhu cầu thanh toán của QTDND thành viên và khách hàng.

Cùng với đó, NHHT đã duy trì các kênh thanh toán ngoài hệ thống, tham gia kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và kênh thanh toán địa phương để phục vụ tốt hơn nhu cầu thanh toán đa dạng của QTDND và khách hàng. Giao dịch thanh toán chuyển tiền tăng mạnh với 724.620 món tăng 36% so với năm 2016 với số tiền 175.625 tỷ đồng.

Năm 2017 cũng ghi nhận những bước tiến triển mới trong việc đưa sản phẩm thẻ của NHHT ra thị trường. Với việc không ngừng gia tăng tiện ích cho sản phẩm dịch vụ, thẻ ghi nợ nội địa của NHHT hiện nay đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu giao dịch của khách hàng và được chấp nhận rộng rãi tại tất cả các thiết bị đầu cuối ATM/POS của NHHT và các ngân hàng trong liên minh. Việc triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng 24 /7 đáp ứng kịp thời việc hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng. Tất cả các thắc mắc, khiếu nại đều được xử lý nhanh chóng và nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Hiện NHHT đã duy trì và phát hành thẻ ghi nợ nội địa cho khách hàng của 32 Chi nhánh, 63 phòng giao dịch và 38 QTDND liên kết. NHHT đã phát hành thêm 4.571 thẻ ghi nợ, nâng tổng số thẻ phát hành lên 11.873 thẻ.

Đáng nói là số lượng thẻ NHHT thực tiện giao dịch trên hệ thống tăng 95,81% so với cùng kỳ năm trước đạt 43.426 giao dịch, với số tiền hơn 682 tỷ đồng. Số lượng thẻ NHHT thực hiện tại liên minh đạt 26.521 giao dịch tăng 14,53% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch thẻ liên minh thực hiện tại ATM NHHT cũng tăng gấp đôi so với năm 2016 với 11.883 giao dịch.

Năm 2017 cũng ghi nhận NHHT đã triển khai sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa và thu được những kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2017 đã có hơn 3.000 khách hàng được duyệt cấp hạn mức thấu chi với tổng hạn mức là 129 tỷ đồng và đã có 1456 khách hàng đang sử dụng hạn mức thấu chi với tổng dư nợ.

NHHT cũng không ngừng tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro cho khách hàng trong giao dịch thẻ như: cảnh báo kịp thời việc thay đổi số dư tài khoản thẻ qua SMS; hướng dẫn giúp khách hàng thực hiện giao dịch tại các điểm ATM, POS. Đồng thời trang bị các thiết bị an ninh mạng đặt tại các máy ATM… Do vậy, trong năm 2017, NHHT không để xảy ra vụ việc gây mất an ninh nào.

Tiếp tục kế hoạch triển khai CF-eBank, trong năm 2018, NHHT dự kiến sẽ kết nạp 100 QTDND thành viên tham gia. Đồng thời mở rộng các sản phẩm tín dụng mới với các QTDND như cho vay liên kết, cho vay hợp vốn.

Những nền tảng gia tăng hơn nữa chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung ứng cho hệ thống QTDND cũng đang được NHHT chú trọng. Năm 2017, VietinBank đã xây dựng hệ thống Core Bangking với các phân hệ lớn: thông tin khách hàng, tiền gửi và tiếp kiệm tập trung; tín dụng; kế toán ngân quỹ; tài khoản thanh toán cho các QTDND; quản lý hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa của NHHT…

NHHT đã hoàn tất công tác đào tạo và triển khai thí điểm hệ thống Core Banking cho 4 chi nhánh mới là Bắc Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Gia Lai và chi nhánh Sở giao dịch. Kết quả triển khai cho thấy hệ thống Core Banking đã hoạt động ổn định, hiện đang chính thức triển khai thống nhất toàn hệ thống, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2018.

2 dịch vụ mới của liên minh NAPAS là đổi PIN và chuyển tiền liên ngân hàng qua ATM của liên minh cũng đã được NHHT đưa vào triển khai trong quý I/2018. Hiện NHHT đang thực hiện nghiên cứu để nâng cấp hệ thống thanh toán, hệ thống ngân hàng điện từ CF-eBank cho các QTDND theo hướng tích hợp với hệ thống Core Banking nâng cao trình tự đồng hóa và xử lý xuyên suốt; Mở rộng kết nối đến hệ thống thanh toán của các NHTM khác. Đồng  thời nghiên cứu để triển khai nâng cấp đồng bộ hệ thống tường lửa tại các chi nhánh; mở rộng nâng cấp băng thông đường truyền kênh gốc để nâng cao tốc độ kênh truyền phục vụ cho các hệ thống ứng dụng tập trung của NHHT.

Với việc phát triển và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, các  QTDND không chỉ có thêm dịch vụ mới thiết thực với các thành viên của các QTDND, mà còn là sợi dây tạo sự gắn bó hơn giữa NHHT với QTDND, góp phần nâng cao uy tín của QTDND trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ  ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua giao dịch với các QTDND. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan