Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Phú Thọ vừa triển khai hội nghị tập huấn cho các QTDND trên địa bàn thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, mà trọng tâm là hướng dẫn xây dựng phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND giai đoạn 2017 – 2020.
Việc NHNN Chi nhánh Phú Thọ triển khai sớm Nghị quyết 42 đã giải tỏa những lo lắng băn khoăn của các QTDND trên địa bàn
Củng cố niềm tin, tạo đà phát triển hệ thống
Tính đến 31/7/2017, địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 38 QTDND hoạt động tại 58 xã, phường, thị trấn trong 11 huyện, thị, thành phố. Với sự quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát của NHNN tỉnh, hệ thống QTDND trên địa bàn duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả. Kết quả xếp loại năm 2016, các QTDND được đánh giá, xếp loại nhóm 1 và 2 chiếm số lượng đại đa số. Tổ chức và hoạt động QTDND dần đi đúng nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích và từng bước đáp ứng quy định của Nhà nước đối với loại hình TCTD này.
Quy mô hoạt động tăng lên cả về vốn góp, vốn huy động và đầu tư cho vay, kết quả kinh doanh. Tổng nguồn vốn hoạt động đến 31/7/2017 là 3.183 tỷ đồng (bình quân 83,7 tỷ đồng/quỹ). Vốn điều lệ bình quân đạt 3,72 tỷ đồng/quỹ. Có 15/38 QTD chủ động hoàn toàn được nguồn vốn, không vay vốn tại NHHTX. Tổng dư nợ cho vay đạt 2.736 tỷ đồng (bình quân 72 tỷ đồng/quỹ).
Nợ xấu chỉ chiếm 1,4% dư nợ cho vay, trong đó 14/38 QTD hạch toán không có nợ xấu, 16/38 QTD có nợ xấu dưới 1%. Sự tăng trưởng cả về quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động QTDND đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện an sinh, trật tự an toàn xã hội từng địa phương nói chung và đời sống thành viên QTDND theo đúng mục tiêu đề ra.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu thấp, song báo cáo của NHNN Phú Thọ cũng chỉ ra, con số nợ xấu hạch toán này chưa phản ảnh hết thực trạng hoạt động của các QTDND. Chính vì vậy, việc NHNN Chi nhánh Phú Thọ triển khai sớm Nghị quyết 42 đến toàn thể các QTDND trên địa bàn với những hướng dẫn cụ thể về việc lập phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND giai đoạn 2017 – 2020 theo kiểu “cầm tay chỉ việc” đã giải tỏa những lo lắng băn khoăn của các QTDND trên địa bàn.
“Theo nhận thức của tôi Nghị quyết này vô cùng quan trọng. Trước đây chúng tôi chỉ muốn liên tục tăng trưởng, nhưng nay khi Quốc hội cho ra Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu cũng là lúc chúng tôi cần nhìn nhận lại, không thể tiếp tục tăng trưởng nóng vội. Dù Quỹ chưa có nợ quá hạn nhưng hoạt động tín dụng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không thể tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy với chỉ đạo của Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan trong xử lý nợ xấu, chúng tôi thấy phấn khởi, làm việc thấy yên tâm hơn”, Chủ tịch HĐQT QTDND Hùng Lô, Cao Văn Hài cho biết.
“Trước khi có hội nghị triển khai Nghị quyết, chúng tôi có thấp thỏm, nay Thanh tra NHNN Chi nhánh đã xây dựng mẫu và hướng dẫn triển khai cụ thể, chúng tôi thấy yên tâm”, ông Hài bày tỏ. Bởi trong thực tiễn, ông Hài chia sẻ, trình độ của lãnh đạo Quỹ chưa bằng các NHTM, học hành chuyên ngành còn chắp vá, làm việc dựa nhiều vào kinh nghiệm và lợi thế riêng có của mô hình, vì vậy, nhiều khi không chú ý đến pháp luật, lý thuyết, chỉ nghĩ đến thực tế...
“Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thực tế cũng phải dựa trên pháp luật, bởi một khi xảy ra sự cố, phải đi thu hồi nợ, thì lúc đó mới xảy ra nhiều vấn đề lý luận, sai gì là chết đấy. Người ta vay của mình, tiêu tiền của mình không trả mà vẫn cãi được. Nay có mẫu triển khai đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu chi tiết cho mô hình QTDND thì ngay lập tức chúng tôi sẽ triển khai để đảm bảo an toàn hoạt động”, ông Hài nói.
Với QTDND Phú Lộc, đã từng đối mặt với những khó khăn xử lý nợ xấu lại càng thấm thía ý nghĩa của Nghị quyết 42. “Chúng tôi thấy đây là việc cần thiết. Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam đã ngày càng quan tâm hơn về tình hình nợ xấu cần phải tái cơ cấu trong giai đoạn 2017 - 2020 để giúp QTDND hoạt động tốt hơn”, Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Lộc, Hoàng Văn Thao nhìn nhận.
Gia tăng trợ lực từ NHNN và chính quyền địa phương
Đánh giá cao vai trò của Chi nhánh NHNN Phú Thọ trong việc chỉ đạo sâu sát đối với hệ thống. Đặc biệt hướng dẫn chi tiết của cán bộ thanh tra đối với việc thực hiện Nghị quyết 42, nhiều QTDND cũng đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền xã đối với sự phát triển an toàn cũng như hỗ trợ xử lý nợ xấu của QTDND. “Chỉ cần chính quyền xã ủng hộ chúng tôi, thì coi như là đỡ cho dân tiếp cận vốn tín dụng và giúp Quỹ bớt nợ xấu”, ông Hài đúc rút kinh nghiệm.
Với mô hình tín dụng trải rộng sang 2 xã liền kề, việc thẩm tra hồ sơ tín dụng của những địa bàn này, Quỹ luôn dựa vào sự hỗ trợ đánh giá của chính quyền địa phương và các tổ chức hội đoàn thể. “Nếu lãnh đạo địa phương và công an xã không “đảm bảo”, Quỹ cũng không thể giải ngân”, ông Hài nhấn mạnh.
Chia sẻ 22 năm hoạt động có nhiều thăng trầm, và đã từng rất vất vả trong xử lý nợ xấu, Giám đốc điều hành QTDND Đồng Xuân Nguyễn Hữu Lộc khuyến nghị các QTDND phải gắn với xử lý nợ xấu vào Nghị quyết 42. Tuy nhiên, ông Lộc cũng đặt ra vấn đề chắc gì cơ quan xử lý nợ xấu sẽ mua món nợ nhỏ như của QTDND.
Đặt ra câu hỏi này, ông đưa ra gợi ý, để giải quyết được những hồ sơ tín dụng có nợ xấu trước hết phải chấp hành nghiêm túc thể lệ, đặc biệt là cần có sự ủng hộ phối hợp của chính quyền địa phương. Nếu làm được điều này QTDND đỡ phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan chức năng và theo đây là phương án khả thi, tốt nhất.
Kinh nghiệm này có thêm rất nhiều thực chứng mà lãnh đạo các địa phương và QTDND cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong vấn đề xử lý nợ xấu của mình trong thời gian qua.
Chủ tịch xã Vân Du, Trần Văn Lượng chia sẻ mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể với QTDND Vân Du. Chính quyền địa phương coi sự hỗ trợ phát triển Quỹ là một nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.
Chính vì vậy, HĐQT có trách nhiệm báo cáo với UBND hàng tháng, hàng quý về hoạt động cũng như những vướng mắc để từ đó xin ý kiến chỉ đạo của xã để giải quyết. Ban Thường vụ Đảng ủy xã cử đích danh Chủ tịch xã theo dõi nắm tình hình hoạt động của Quỹ và chịu trách nhiệm trước Đảng bộ. Cũng bởi vậy, dù phải cạnh tranh với các TCTD trên địa bàn, nhưng trước bối cảnh đầu năm 2017, ngành chăn nuôi lợn khó khăn, chính quyền xã đã đề nghị QTDND giảm lãi suất hỗ trợ người vay và đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã chủ động phối hợp cùng QTDND xử lý nợ xấu, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng “nó như chìa khóa quyết định mở hay không mở được sự thành công trong hoạt động của QTDND”, ông Lượng nhìn nhận. Chính vì vậy, nếu như đầu năm 2016, nợ xấu của Quỹ lên tới 2,7% với hơn 2,16 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2016, đã được xử lý, giảm còn 1,4% và nay chỉ còn 0,66% tổng dư nợ.
Giải đáp những kiến nghị đề xuất của các QTDND về việc tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ hệ thống đảm bảo an toàn hoạt động, mở rộng địa bàn hỗ trợ người dân, Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang cho biết, NHNN Chi nhánh tiếp thu giao cho Thanh tra giám sát đưa vào nội dung chỉ đạo của Chi nhánh trong thời gian tới. Giám đốc Giang nhấn mạnh giai đoạn 2013-2015, các QTDND đã thực hiện tái cơ cấu, nhưng lần triển khai này sẽ xây dựng bài bản hơn, tầm nhìn cao hơn, với kế hoạch cụ thể cho từng năm từ nay đến 2020.
Trong đó, các quỹ cần phải rà soát lại toàn bộ các khoản vay trước ngày 15/8. Khoản nào phải chuyển nợ nhóm 3 thì phải chuyển và phải đưa vào trong đề án để có phương án xử lý. “Nghị quyết này có rất nhiều ý nghĩa hỗ trợ trong vấn đề xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ giám sát việc thực hiện, nên các đồng chí phải bổ sung hoàn chỉnh, không để tình trạng đến khi xử lý mới đưa ra khiếu kiện”, Giám đốc Giang nói.
Dù đề cương xây dựng phương án đã được NHNN hướng dẫn, tuy nhiên, các QTDND cần căn cứ đặc thù cụ thể để xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của mình. Các quỹ có nhu cầu mở rộng địa bàn, mở quỹ tiết kiệm, phòng giao dịch phải xây dựng phương án khả thi về nguồn lực, con người đưa vào đề án.
Đề án trước khi trình NHNN Chi nhánh phê duyệt (muộn nhất là ngày 10/9) cũng cần báo cáo, thông qua Bí thư, Chủ tịch xã để sau khi phê duyệt có thể triển khai sâu rộng trên địa bàn với sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương. Giám đốc Giang cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương, giúp cho các quỹ đưa việc triển khai Nghị quyết vào công tác tuyên truyền, thông qua các hội nghị để người dân biết được các vấn đề liên quan đến chủ trương xử lý nợ xấu…
“Trên nền tảng đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua, NHNN tỉnh sẽ duy trì thường xuyên hơn với kênh thông tin chặt chẽ hơn cùng chính quyền địa phương lãnh đạo chỉ đạo toàn hệ thống. Làm thế nào đến cuối năm 2020 tổng kết, để các quỹ có tầm hoạt động lớn hơn, quy mô hoạt động tốt hơn so với mục tiêu đề ra”, Giám đốc Phạm Trường Giang kỳ vọng.
13.11.2024
30.10.2024