Với xuất phát điểm là các tổ chức hình thành để hỗ trợ những người dân yếu thế, QTD đã hình thành nên phân khúc thị trường đặc trưng riêng của mình trong hệ thống tài chính. Đó là tập trung vào các hoạt động ngân hàng bán lẻ, cẩn trọng với các hoạt động mang tính đầu cơ, rủi ro và hướng đến phục vụ những khách hàng kém lợi nhuận bị khu vực NHTM bỏ qua.
Thực tế phát triển của hệ thống QTD lâu đời tại các nền kinh tế phát triển cho thấy hệ thống này thực sự là một sự bổ sung cần thiết quan trọng bên cạnh hệ thống ngân hàng. Cụ thể, theo kết quả điều tra của NEF (2012) tại 07 quốc gia (Mỹ, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Úc, Ireland, Anh), QTD là các tổ chức đưa ra các mức lãi suất tốt hơn so với các NHTM. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, nếu như các NHTM đều gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động cho vay, thì tất cả các QTD được khảo sát đều có khả năng mở rộng tín dụng tốt hơn hẳn so với các tổ chức tài chính khác trong hệ thống cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với các NHTM. Đặc biệt, trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhiều NHTM phải cầu viện vào sự cứu trợ từ Chính phủ thì hầu hết các QTD đều phát huy khả năng tương trợ lẫn nhau và tiếp tục hoạt động bền vững trên thị trường mà không cần tới sự can thiệp hay hỗ trợ của Chính phủ.Thêm vào đó, không chỉ hỗ trợ nội bộ các thành viên, các hệ thống QTD thành công trên thế giới còn được ghi nhận là các tổ chức có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo NEF (2012), trong năm 2010, các QTD của Canada trung bình đã cống hiến 4% thu nhập trước thuế của mình cho các dự án cộng đồng, trong khi đó 5 NHTM lớn nhất tại quốc gia này chỉ đóng góp 1% thu nhập trước thuế của mình.
Với những ưu điểm trong tính chất và kết quả hoạt động bền vững như vậy, mô hình QTD đã được nhiều quốc gia trên thế giới học hỏi và lan rộng từ những mô hình đầu tiên được hình thành tại Đức vào năm 1864 và tại Quebec, Canada vào năm 1901. Đức và Canada cũng là 2 trong số nhiều quốc gia có hệ thống QTD và NHHTX phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới. Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng đạt được thành công mong muốn. Tại một số quốc gia, việchọc hỏi và áp dụng mô hình QTDđể góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nói chung vẫn còn đạt được những kết quả khá hạn chế và thấp hơn so với kỳ vọng đặt ra. Theo S.Tilakaratna (1996), điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân.Thứ nhất, các hợp tác xã tài chính do chính phủ thúc đẩy thành lập thường thất bại trong việc tạo ra một phong trào tự nguyện trong cộng đồng người dân và hình thành các tổ chức có tính dân chủ. Thứ hai, trong các cộng đồng có nhiều sự khác biệt về kinh tế xã hội, các vị trí lãnh đạo hợp tác xã thường nằm trong tay của nhóm người ưu tú của địa phương, và người nghèo lại bị gạt ra ngoài lề trong quá trình này. Thứ ba, so với lợi ích của các tiểu nông, lợi ích của những người cùng cực nhất như những người không có đất và những người nông dân siêu nhỏ cũng như lợi ích đặc biệt của người phụ nữ không được đáp ứng thỏa đáng bởi các hợp tác xã tín dụng. Thứ tư, do can thiệp chính trị cũng như thất bại trong việc áp dụng các phương thức cải tiến, tỷ lệ vỡ nợ cao là một đặc điểm trong hoạt động tín dụng của các hợp tác xã, đòi hỏi sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn chính phủ để bù đắp lại những tổn thất về vốn do vỡ nợ. Cuối cùng, mức độ tham gia thấp của các thành viên, tham nhũng và lạm dụng công quỹ đã trở thành một đặc điểm chung trong các tổ chức hợp tác xã được thành lập một cách gượng ép.
Rõ ràng mục đích cho việc thúc đẩy thành lập và phát triển QTD của chính phủ tại nhiều quốc gia được đặt ra là đúng đắn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện lại gặp phải rất nhiều khó khăn khi đứng trước những lựa chọn và sự đánh đổi: nếu chính phủ can thiệp quá nhiều, sẽ làm mất đi sự tự chủ và tự nguyện, sự tham gia tích cực và chủ động của chính các thành viên thực sự của QTD; tuy nhiên, nếu chính phủ không có sự can thiệp, hỗ trợ, khó có thể hình thành một hệ thống QTD có đủ sức mạnh về tài chính và sự uy tín để có thể duy trì hoạt động, phục vụ đúng nhu cầu của thành viên và lôi kéo thành viên tham gia một cách gắn kết. Điều này đặt ra vấn đề, cơ chế hỗ trợ như thế nào là phù hợp để hệ thống QTD phát triển tự chủ và bền vững.
1. Kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ phát triển hệ thống QTD
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình phát triển, nhưng hệ thống các QTD vẫn là những định chế dễ bị tổn thương khi một mặt phải thực hiện các nhiệm vụ xã hội, hướng tới phục vụ các đối tượng yếu thế, mặt khác lại là những tổ chức có quy mô tài sản, năng lực tài chính nhỏ so với các định chế tài chính khác. Do vậy, bên cạnh việc định hướng phát triển đúng đắn, xây dựng mô hình quản lý, giám sát và thiết lập các quy định điều tiết chặt chẽ, hệ thống QTD cần có sự hỗ trợ của chính phủ cũng như của các đối tác và các tổ chức tài trợ trong và ngoài nước về các mặt sau:
(i) Hỗ trợ thiết lập cơ sở hạ tầng tập trung một cách thận trọng
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung (như tổ chức hạ tầng thanh toán,tổ chức hệ thống công nghệ thông tin nhằm thu thập hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất) là cần thiết để hỗ trợ các QTD đạt được lợi thế kinh tế về quy mô mà không phải tốn kém nguồn lực quá nhiều để có thể cung cấp được các dịch vụ tài chính thông thường cho khách hàng của mình như các NHTM.
Thực tiễn tại các nước cho thấy, QTD là những tổ chức thường xuyên nhận được trợ cấp tài chính từ Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương. Tại Anh, các khoản trợ cấp này được chuyển trực tiếp tới từng QTD. Tuy vậy, QTD Trung ương của Canada cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu Chính phủ thiết lập một cơ sở hạ tầng tập trung thay vì cấp hỗ trợ trực tiếp cho từng QTD để đạt được tính kinh tế của quy mô. Rõ ràng, với sự thiếu vắng của các tổ chức thực hiện vai trò liên kết hệ thống, khu vực HTX tài chính tại Anh yếu hơn hẳn so với Canada, Đức và Hà Lan. Nhận thức được việc này, gần đây, Cục việc làm và hưu trí Anh đã cấp 38 triệu Bảng cho hiệp hội QTD Anh nhằm hiện đại hóa và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ, trong đó có nhiệm vụ phát triển một hệ thống công nghệ thông tin trung tâm. Tương tự, hiệp hội cũng đưa ra khuyến nghị rằng các QTD có thể liên kết với các bưu điện, qua đó giúp mở rộng hệ thống chi nhánh cũng như mạng lưới ATM của họ.
Tuy vậy, những nỗ lực thiết lập một cơ sở hạ tầng tập trung trên vẫn thiếu vắng các dịch vụ thanh khoản và chuyên phát triển sản phẩm mà các QTD tại Mỹ và Canada đã có được. Tuy nhiên, việc tập trung hóa trong thực tiễn hoạt động của một số quốc gia cũng phát sinh một số hạn chế cần lưu ý khi lựa chọn hướng phát triển. Tại Mỹ, các QTD được tự do lựa chọn nghiệp đoàn (thay vì theo quy định phải thuộc một Quỹ trung tâm nhất định như ở Canada). Điều này kích thích các nghiệp đoàn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro để có mức lợi nhuận cao nhằm thu hút QTD thành viên. Trong khi đó, các NHHTX trung tâm (Hà Lan, Áo) cũng phát triển mạnh mẽ và lấn sân sang các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của thị trường tài chính để tìm kiếm lợi nhuận cho hệ thống. Kết quả là, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trong khi các tổ chức cơ sở hoạt động tốt thì các tổ chức trung tâm như nghiệp đoàn (ở Mỹ) và các NHHTX trung ương ở châu Âu phải đối mặt với khó khăn.
Do vậy, khi tạo lập cơ sở hạ tầng tập trung, cần cân nhắc thận trọng nếu chọn hướng xây dựng các tổ chức đầu mối hoạt động trên cơ sở cạnh tranh và/hoặc cho phép các tổ chức đầu mối quá mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực rủi ro. Việc quy định các QTD phải tham gia là thành viên bắt buộc của một tổ chức đầu mối sẽ hạn chế các tổ chức đầu mối cạnh tranh với nhau dẫn tới theo đuổi các hoạt động rủi ro.
(ii) Hỗ trợ tài chính cho hoạt động của các QTD nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội
Việc tập trung hoàn toàn vào các nhiệm vụ xã hội có thể khiến các QTD hạn chế trong việc mở rộng tiếp cận các đối tượng khách hàng, từ đó hạn chế nguồn thu nhập giúp cho QTD chủ động trong việc mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế. Do vậy, các hoạt động hỗ trợ, tăng cường năng lực tài chính để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ cho thành viên và cộng đồng của QTD có thể được thực hiện. Tuy nhiên, cần cân nhắc các điều kiện nhất định để việc hỗ trợ tài chính này không làm suy yếu năng lực tự chủ của QTD, trong đó có 02 vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn các QTD lành mạnh để hỗ trợ tài chính
Thứ hai, cần thiết kế các cơ chế hỗ trợ tài chính đảm bảo:
(i) Mối liên kết hữu cơ giữa tiết kiệm và tín dụng được nhận thức và áp dụng triệt để. Việc chỉ chú trọng tới hoạt động cho vay (do sẵn có nguồn vốn tài trợ) mà bỏ qua việc gia tăng huy động tiết kiệm sẽ dẫn tới tình trạng khi các khoản hỗ trợ tín dụng bên ngoài kết thúc, thì QTD cũng không còn năng lực hoạt động vì các thành viên chỉ quan tâm tới việc nhận các khoản vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài và lại đi gửi tiết kiệm (nếu có được) tại các tổ chức tài chính khác.
(ii) Các kênh tín dụng bên ngoài không bao giờ nên là nguồn quỹ cho vay chính của một QTD để tránh việc các thành viên có ấn tượng rằng họ đang vay mượn từ nguồn bên ngoài.
Cụ thể, cơ chế hỗ trợ tài chính được triển khai thông qua một tổ chức đầu mối, đại diện cho hệ thống QTD, thay vì trực tiếp rót xuống các QTD và dòng vốn hỗ trợ nên được gắn với các điều kiện về huy động tiết kiệm, vốn hóa, xây dựng dự phòng cho nợ xấu…
Bài học từ Benin những năm 1980-1990 cho thấy mạng lưới các QTD tại quốc gia này đã gánh chịu thất bại nặng nề khi chịu sự giám hộ của một tổ chức quốc gia không thuộc về chúng. Trong quá trình cải tổ và phục hồi, vào năm 1993, các QTD tại Benin đã bắt đầu quá trình kiến tạo một tổ chức quốc gia của riêng mình và, một tổ chức liên kết với các mạng lưới khác, là hiệp hội QTD quốc gia. Tại Togo, thay vì cung ứng vốn trực tiếp cho các QTD, các nhà tài trợ và hỗ trợ đã thực hiện một giải pháp là cung ứng vốn cho các QTD thông qua tổ chức điều hòa thanh khoản trung tâm (CLF) của chính các QTD thành viên. Các QTD thành viên nhìn nhận họ đang sử dụng dịch vụ của tổ chức trung tâm của chính mình, chứ không phải sử dụng nguồn vốn của đơn vị nào khác bên ngoài, các thành viên đi vay vốn tại các QTD cơ sở cũng nhìn nhận họ đang sử dụng vốn của tổ chức do mình sở hữu. Ngoài ra, tổ chức trung tâm muốn nhận được hỗ trợ tài chính, cần phải có sự đóng góp của các QTD thành viên để đáp ứng được điều kiện nhận vốn. Để đủ điều kiện nhận vốn, tổng tiền gửi của các QTD tại tổ chức trung tâm điều hòa thanh khoản (CLF) phải đạt được mức gia tăng ròng nhất định. Công thức được đưa ra áp dụng tại Togo là đối với một sự tăng ròng 2 đồng francs CFA, CLF đủ điều kiện để nhận 1 đồng francs CFA tài trợ.
- Hỗ trợ tư vấn đào tạo và kỹ thuật
Các hoạt động đào tạo, tư vấn kỹ thuật, chuyên môn là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh của hệ thống các QTD, tuy nhiên kinh nghiệm các nước cho thấy, thay vì nằm trong chức năng nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý nhà nước, nó chủ yếu được thực hiện thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các hiệp hội thuộc hệ thống. Trước hết, đây là các hoạt động mang lại thu nhập cho các hiệp hội. Thứ hai, việc thực hiện đào tạo lẫn nhau sẽ phát huy được tính năng động, chủ động của thị trường, bởi chính các QTD là các đơn vị mong muốn cập nhật các kiến thức, chuyên môn cho hoạt động kinh doanh của mình và đơn vị hiểu và có thể đáp ứng một cách nhanh nhạy và chuyên tâm đối với nhu cầu này, không ai khác chính là các hiệp hội của các QTD.
2. Thực tiễn phát triển hệ thống QTDND Việt Nam và những biện pháp hỗ trợ cần thiết cho hệ thống hiện nay
* Với sự quan tâm và hỗ trợ thường xuyên của Đảng, Chính phủ cũng như của các tổ chức tài trợ trong và ngoài nước, hệ thống QTDND không ngừng được củng cố, hoàn thiện và lớn mạnh qua nhiều giai đoạn. Cho đến nay (tính đến 31/12/2016), hoạt động của cả hệ thống đạt được một số kết quả đáng chú ý sau:
- Số lượng QTDND: Hệ thống QTDND có 1.166 QTDND hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố. Số thành viên tham gia QTDND là 1.937.973 thành viên (bình quân 1.662 thành viên/Quỹ).
- Tổng tài sản: Tổng tài sản của hệ thống QTDND là trên 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2011. Tài sản bình quân khoảng 77 tỷ đồng/Quỹ.
- Chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống QTDND từ năm 2011 tới 2016 luôn ở mức thấp (dưới 1%).
- Kết quả kinh doanh:Toàn hệ thống QTDND có thu nhập lớn hơn chi phí đạt hơn 800 tỷ đồng (năm 2011 là 462,4 tỷ đồng).
Về tính liên kết, tương trợ trong một hệ thống có tính chất HTX: Bước đầu tính liên kết hệ thống của mô hình TCTD là HTX được hình thành, là tiền đề quan trọng để duy trì hệ thống phát triển bền vững và tôn chỉ mục đích hoạt động; trong đó NHHTX với vai trò là ngân hàng của tất cả các QTDND, mục tiêu hoạt động chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các QTDND. Trong thời gian qua, NHHTX đã thực hiện được một số nội dung với tư cách là tổ chức đầu mối, trung tâm của hệ thống QTDND như Giám sát hoạt động của các QTDND thành viên; Hỗ trợ cho các QTDND thành viên phát triển sản phẩm dịch vụ. Ngân hàng Hợp tác đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống trung tâm dữ liệu bảo mật, trung tâm xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế TIA-942… để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa năng hiện đại phục vụ các QTDND và khách hàng, nhất là người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền điện tử, thẻ ATM. Đến nay Ngân hàng Hợp tác đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho hơn 1.300 học viên là lãnh đạo và cán bộ của 466 QTDND trên phạm vi 47 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã kết nạp 410 QTDND vào hệ thống CF-eBank, nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên gần 500 đơn vị, bao gồm các Chi nhánh, Phòng giao dịch của Ngân hàng Hợp tác và QTDND; Cho vay điều hòa vốn và mở rộng tín dụng; Cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi theo chỉ định của NHNN; Cho vay Quỹ bảo toàn.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận này, sự phát triển hiện tại của hệ thống QTDND Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Quy mô và địa bàn hoạt động của các QTDND cũng còn đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi. Hiện nay, hệ thống các QTDND Việt Nam phát triển ở các quy mô tương đối đa dạng. Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của hệ thống QTDND là trên 90.000 tỷ đồng, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2011. Tài sản bình quân khoảng 77 tỷ đồng/Quỹ, tuy nhiên quy mô phân bổ không đồng đều. Quỹ có tổng tài sản thấp nhất là 1,2 tỷ đồng và Quỹ có tổng tài sản cao nhất là trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất là nhóm QTDND có nguồn vốn hoạt động từ 70 tỷ đồng trở lên. Những QTDND này có huy động cao, dư nợ cấp tín dụng hợp lý, tỷ lệ nợ xấu thấp, hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả. Sự phát triển ở nhiều quy mô đa dạng này cũng gây khó khăn cho việc quản lý hài hòa và an toàn toàn bộ hệ thống để đảm bảo từng QTDND cũng như toàn hệ thống có đủ năng lực để phục vụ nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Một bộ phận nhỏ QTDND xa rời mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận đơn thuần, thể hiện qua việc cho vay vượt trần lãi suất, cho vay vượt mức quy định, cho vay sai đối tượng (cho vay xây dựng đường, điện, trường, chợ...);một sốQTDND có cơ cấu giữa nguồn huy động và dư nợ cho vay mất cân đối, chất lượng hoạt động thấp, tình hình tài chính yếu, nợ quá hạn cao và xu hướng ngày càng tăng; một số QTDND lâm vào tình trạng khó khăn trong thanh toán, chi trả có nguy cơ ảnh hưởng đến các QTDND khác trên địa bàn.
Tính liên kết của hệ thống QTDND còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết tiềm năng thực sự của mô hình hợp tác xã
Có thể chỉ ra một số nguyên nhân căn bản, sâu xa dẫn đến những hạn chế yếu kém nói trên trong sự phát triển của hệ thống QTDND Việt Nam khiến hệ thống còn chưa đạt được những kết quả tối ưu như sau:
- Các lợi ích và bản chất của việc liên kết hệ thống trong mô hình QTD chưa được các QTDND hiểu rõ và cũng chưa được hiện thực hóa trong thực tế để họ có thể cảm nhận.
- Các thành viên thành lập nên QTDND chưa thực sự hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia QTDND, vì vậy việc tham gia và hình thành QTDND còn có hiện tượng vì lợi ích của một nhóm người thay vì đạt được tôn chỉ, mục tiêu đặt ra.
- Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và điều hành tác nghiệp của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành và cán bộ nghiệp vụ của không ít QTDND còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật kém dẫn đến vi phạm nguyên tắc, chế độ trong hoạt động của QTDND, một số trường hợp vi phạm pháp luật để lại những hậu quả phải mất nhiều năm khắc phục xử lý. Đại đa số các QTDND yếu kém thời gian qua đều có nguyên nhân từ rủi ro đạo đức.
Trong đó, có thể nói sự nhận biết, quán triệt đúng đắn và chính xác con đường phát triển của QTDND còn chưa hoàn toàn được hình thành sâu rộng trong tiềm thức của người dân địa phương – nơi QTDND cần phát triển để thể hiện vai trò của mình. Điều này chính là căn nguyên sâu xa nhất gây ra những vấn đề từ hạn chế trong liên kết hệ thống đến việc phát triển các QTDND với quy mô đa dạng nhưng gây khó khăn cho việc kiểm soát an toàn hiện nay.
* Để giải quyết phần nào những vấn đề nói trên, đúc kết từ bài học kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian tới, cần phải có các biện pháp hỗ trợ hệ thống QTDND ở các mặt cụ thể như sau:
(i)Hỗ trợ đào tạo năng lực cho các QTDND và tuyên truyền sâu rộng về tính chất, ý nghĩa của QTDND trong cộng đồng
Thứ nhất, Hiệp hội QTDND phải là đơn vị nắm bắt được nhu cầu đào tạo và thực trạng hiện tại của các QTDND trong hệ thống để từ đó chủ động phối hợp với NH HTX, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố xây dựng nhu cầu đào tạo trung hạn và ngắn hạn đối với hệ thống QTDND, trong đó cần xác định rõ những đối tượng có nhu cầu đào tạo, đối tượng cần phải đào tạo, phân nhóm các đối tượng đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm. Việc tổ chức lớp học cần đảm bảo phù hợp về mặt địa lý đối với học viên, đảm bảo việc đào tạo không gây ảnh hưởng đến công việc của các học viên.
Thứ hai,chính quyền địa phương các cấp cần nhận thức đúng vai trò của các QTDND trên địa bàn, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, NH HTX, và Hiệp hội QTDND tích cực ủng hộ và tuyên truyền về bản chất và mục tiêu hoạt động của mô hình QTDND tại địa phương đã được khẳng định trong nhiều văn bản của Đảng và Chính phủ là “Phát triển hệ thống TCTD là hợp tác xã bao gồm NH HTX và các QTDND trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vốn trong khu vực nông thôn và từng bước tại khu vực đô thị trên cơ sở các nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm khuyến khích tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm của các thành viên để hỗ trợ các nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững” theo hướng tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tìm hiểu và dễ hiểu những định hướng phát triển, vai trò, vị trí của hệ thống QTDND, từ đó giúp họ chủ động lựa chọn tham gia thành viên QTDND và tích cực thực hiện vai trò của mình trong tổ chức, gia tăng tính liên kết và tự giám sát của hệ thống.
(ii) Hỗ trợ thiết lập các cơ sở hạ tầng dịch vụ tập trung cho hệ thống QTDND để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, phục vụ thành viên của hệ thống
Thứ nhất, triển khai hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank của NHHTX
Ngân hàng HTX tiếp tục tập trung nguồn lực (nhân lực và tài chính) để triển khai trên diện rộng, xác định đây là mục tiêu trọng tâm hỗ trợ các QTDND thành viên mở rộng sản phẩm (phi tín dụng) dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua việc triển khai CF-eBank, đa dạng hóa các sản phẩm hỗ trợ QTDND thành viên, tăng tính liên kết giữa NHHTX với các QTDND và giữa QTDND với các thành viên trên địa bàn.
Thứ hai, triển khai phần mềm tin học trên toàn hệ thống
Hiệp hội QTDND cần thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm nhiệm vụ là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các QTDND hỗ trợ cho việc phát triển, liên kết hệ thống. Theo đó, Hiệp hội QTDND phải xác định việc triển khai phần mềm tin học là nhiệm vụ, trách nhiệm hỗ trợ của Hiệp hội QTDND đối với các QTDND thành viên trên cơ sở nguồn phí đóng góp và nguồn phí thu dịch vụ từ các thành viên. Theo đó, Hiệp hội cần nghiên cứu các phương án, tính toán chi phí – hiệu quả của từng phương án và thông qua ý kiến của các QTDND thành viên để mở rộng việc trang bị, lắp đặt mới tới toàn hệ thống QTDND nhằm tạo dựng một hệ thống công nghệ thông tin thống nhất, đồng bộ nhằm phục vụ công tác báo cáo của các QTDND và mục tiêu giám sát an toàn hoạt động của hệ thống QTDND cho NHHTX và cơ quan quản lý Nhà nước.
(iii) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính để tăng cường năng lực cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hệ thống QTDND
- Hiệp hội QTDND cần chủ động, tăng cường hơn nữa trong việc kêu gọi, tiếp nhận sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án do các nước, các tổ chức quốc tế trợ giúp phát triển. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ để tăng cường việc tiếp cận dịch vụ tài chính của những người dân bị thiệt thòi, chủ yếu tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa thông qua việc đẩy mạnh việc tiếp cận tới các loại hình dịch vụ tài chính tốt hơn của hệ thống QTDND.
Tài liệu tham khảo
1. S.Tilakaratna (1996), Credit schemes for the rural poor: Some conclusions and lessons from practice, Discussion Paper, International Labour Organization.
2. The new economics foundation (2012), Credit unions: international evidence.
ThS. Nguyễn Thị Hòa - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện CLNH – NHNN Việt Nam
13.11.2024
30.10.2024