10.05.2007 16:29

Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm lấy dân làm gốc

Phải học hỏi dân chúng, nhưng “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”; phải “tìm ra mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau, xem cái nào đúng, cái nào sai” để vận dụng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước lấy dân làm gốc; Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Người rất tâm đắc với câu nói dân gian: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dân; Phải có ý thức rõ “dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến đường lối chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng, thành sức mạnh cách mạng thì Đảng phải có đường lối đúng đắn; cán bộ đảng viên “phải liên lạc mật thiết với dân chúng, xa rời dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”. Cán bộ đảng viên còn phải học hỏi dân, “nếu không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân”, mà “muốn hiểu biết, học hỏi dân thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm”.

Theo Hồ Chí Minh phải thực hiện dân chủ với dân để phát huy tinh thần làm chủ của dân là cốt lõi của vấn đề dân là gốc. Người thường nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ”. Vậy quyền hạn, nghĩa vụ của người làm chủ phải thế nào? Câu trả lời của Người là: “Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”. Và người yêu cầu: người làm chủ trước hết phải làm tròn bổn phận công dân, tức là phải tuân theo pháp luật Nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động; giữ gìn trật tự chung; nộp thuế đúng kỳ, bảo vệ tài sản công cộng; bảo vệ Tổ Quốc. “Phải chăm lo việc nước như việc nhà”, “phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”; “làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, làm bao nhiêu thì làm”.

Theo Hồ Chí Minh, thiết thực nhất của việc bồi dưỡng “cái gốc” là phải thường xuyên chăm lo đời sống cho dân, chăm lo lợi ích chính đáng của dân. Người thường nhắc tới những câu của người xưa “có thực với vực được đạo”, “dân dĩ thực vi thiên”. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đối với nhân dân không thể lý luận suông”. Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống của dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
 
Bác Hồ về thăm Hưng Yên ngày 16-9-1961

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm dân là gốc là quan điểm khoa học, toàn diện. Đó là sự kế thừa những tinh hoa dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh lưu ý: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém… Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do hạng hăng hái đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên. Phải học hỏi dân chúng, nhưng “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”; phải “tìm ra mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau, xem cái nào đúng, cái nào sai” để vận dụng.

Một sự kiện được nhiều người nhắc tới là tháng 10/1949 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận. Người diễn đạt rất khái quát: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Quan điểm của Người thật rõ ràng: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Điều mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh nung nấu trăn trở là vấn đề thực hiện dân chủ với dân; làm thế nào để nhân dân “biết dùng quyền dân chủ” và “hưởng quyền dân chủ”. Ngày 6/1/1946, chỉ bốn tháng sau khi khai sinh nền Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bình đẳng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tháng 11/1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 2 đã thông qua bản Hiến pháp do Người chỉ đạo soạn thảo. Nhà nước dân chủ, pháp quyền từ ý tưởng của Người đã dần dần trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam. Quan điểm của Người trong những sự kiện lịch sử này rất mẫu mực, rõ ràng: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”, “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước của dân còn bao hàm việc dân có quyền bãi miễn Chính phủ và nhân viên chính quyền Nhà nước các cấp, nếu họ có tư tưởng hoặc việc làm có hại đến nhà nước, hại đến dân.
Nhà nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập là Nhà nước kiểu mới: Nhà nước của dân. Sức mạnh và sự trường tồn của nhà nước bắt nguồn từ lực lượng toàn dân đoàn kết, với tinh thần làm chủ - tự chủ. Bởi thế nhà nước ta còn là nhà nước do dân. Bác viết: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong”; “Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân, do dân phải được thể hiện ở các chủ trương, chính sách của nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội là vì dân. Ngay sau khi nước nhà dành được độc lập, Người nói rõ: “… nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhân dân đã và sẽ mãi mãi là người làm nên lịch sử. Thực hiện tốt Di huấn của Bác về lấy dân làm gốc, chắc chắn bộ máy Nhà nước ta sẽ “chạy” đều, hiệu quả quản lý điều hành chắc chắn có hiệu lực cao. Đó là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.
Theo Vietnamnet

Các tin liên quan