24.11.2015 15:51

Chính thức chốt lãi suất vay dân sự tối đa 20%/năm

Với Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua sáng 24/11, Quốc hội đã quyết định quy định mức lãi suất cố định ngay trong bộ luật.

Báo cáo giải trình cho biết, trước các loại ý kiến khác nhau về mức trần lãi suất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về mức lãi suất tối đa.

Kết quả có 278/366 phiếu tán thành quy định: mức lãi suất cố định ngay trong bộ luật tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay.


Kết quả thông qua toàn bộ Bộ luật

Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 điều 468 như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Biểu quyết riêng về điều này, có 410 vị đồng ý, 24 vị không đồng ý và 6 không biểu quyết

Do quy định tại điều 1 điều 468 đã không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 điều này về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp. 

Cụ thể: “Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 diều này tại thời điểm trả nợ”.

Tòa không được từ chối yêu cầu của dân

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại điều 5 (áp dụng tập quán) và điều 6 (áp dụng tương tự pháp luật) của bộ luật này được áp dụng.

Đây là vấn đề từng được tranh cãi rất căng thẳng ở nhiều phiên thảo luận tại nghị trường. Nhưng, báo cáo giải trình không thể hiện nội dung xin ý kiến đại biểu như với nhiều quy định khác tại dự thảo bộ luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong bộ hiện hành và điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế

Ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính

Lần sửa đổi này, quyền chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận.

Giải trình các quan điểm còn khác nhau trước khi Quốc hội bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.

Pháp luật Việt Nam cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.

Từ kết quả này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Biểu quyết riêng về điều này 399 vị tán thành, có 43 vị không đồng ý và 4 vị không biểu quyết.

Bộ luật Dân sự mới cũng quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Gồm 27 chương, 689 điều, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.


Nguyễn Lê/Vneconomy

Các tin liên quan