03.09.2015 09:16

Chính sách tín dụng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn

Với việc bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay… Nghị định số 55/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 9/6/2015, có hiệu lực thi hành từ 25/7/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo lực đẩy quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

 

Những chuyển biến mới

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai trong những năm qua đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tiễn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP; Mức cho vay không có tài sản bảo đảm cao nhất cũng chỉ 500 triệu đồng nên không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đòi hỏi cần thiết có chính sách ưu đãi hơn về nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thật sự bước vào “sân chơi” chung của thế giới nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp ở nước ta với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra; một số sản phẩm nông nghiệp sản lượng không ngừng tăng, nhưng giá trị lại không tăng hoặc giảm đi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” phát triển của ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Trong đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, ngày 9/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP nhằm đảm bảo thống nhất giữa các chính sách, phù hợp với các yêu cầu thực tiễn và hỗ trợ hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Một số quy định quan trọng

Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, Chính phủ cũng nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay. Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá... cao hơn các lĩnh vực khác; Khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Không chỉ dừng lại ở đó, Nghị định đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác. Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

Có thể nói, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Nghị định có thể nói là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Việt Nam; qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để các quy định đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Thông tư này quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cơ cấu lại thời hạn nợ, cho vay mới, hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nợ, xóa nợ; tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm của khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP.

Theo đó, các khách hàng khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sẽ được tổ chức tín dụng chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện một lần đối với một khoản nợ kể từ khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

Về phía các tổ chức tín dụng, căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Thông tư quy định tỷ lệ khấu trừ đối với tài sản bảo đảm của các khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tối đa bằng 100% so với tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm tương ứng của khoản cho vay lĩnh vực khác. Đồng thời, quy định về các thủ tục, hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp khách hàng là tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, được khoanh nợ mà vẫn gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ, cần xử lý xóa nợ theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Để được khoanh nợ, xóa nợ, các tổ chức tín dụng phải phối hợp với khách hàng lập hồ sơ với đầy đủ giấy tờ cần thiết, có sự xác nhận của UBND cấp tỉnh để báo cáo NHNN chi nhánh. NHNN chi nhánh chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính địa phương thực hiện kiểm tra, đề nghị UBND cấp tỉnh xác nhận số liệu tổng hợp khoanh nợ, xóa nợ trên địa bàn; đồng thời, đề nghị UBND cấp tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi NHNN và Bộ Tài chính về việc khoanh nợ, xóa nợ trên địa bàn.

Theo Tạp chí Tài chính

Các tin liên quan