28.06.2018 07:00

Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng

Nợ xấu giảm mạnh, kỳ vọng tăng trưởng cao nhưng có 3 rủi ro cần cảnh giác

Trong báo cáo thường niên để đánh giá 10 NHTM uy tín nhất 2018, Vietnam Report đã ghi nhận những thành tựu điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và bức tranh toàn cảnh ngành Ngân hàng tập trung tái cơ cấu xử lý nợ xấu, tăng cường tái cơ cấu của các NHTM đặt trong toàn cảnh tái cơ cấu của nền kinh tế trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Báo cáo đã cho thấy những kỳ vọng tăng trưởng của NHTM và cả những thách thức và rủi ro cần lưu ý.

 

Ngân hàng Nhà nước đã hấp thụ được khá nhiều ngoại tệ 

Theo Báo cáo: Thành tựu nổi bật nhất là việc điều hành chính sách của NHNN đã đạt được một số thành công nhất định. NHNN đã hấp thụ được khá nhiều ngoại tệ, nhờ vậy tăng dự trữ ngoại hối, trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo mức thặng dư cán cân thanh toán của NHNN và đảm bảo cân bằng kinh tế đối ngoại. 

Các chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng và xử lý nợ xấu cũng đang đi khá đúng hướng, bước đầu gặt hái một số thành quả. Hầu hết các chuyên gia tham gia khảo sát đều khẳng định Chính phủ nên tiếp tục kiên trì với đường lối thận trọng, có kiểm soát như hiện nay, tuy nhiên cần phát triển chính sách trên cơ sở tầm nhìn dài hạn hơn, có tính kỷ luật và triệt để hơn.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, nhìn chung, các NHTM đã nỗ lực tập trung tái cơ cấu hệ thống quản lý, quản trị và tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, nợ xấu đã giảm mạnh. Từ năm 2012 đến tháng 3/2018, hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng trong năm 2017, tổng các khoản nợ xấu đã được xử lý là 115,54 nghìn tỷ đồng.

Điểm tích cực trong giai đoạn qua là các ngân hàng đã đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu đã bán cho VAMC. Các ngân hàng nằm trong Top 10 như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB đã hoàn tất xử lý nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và VietinBank đã hoàn tất trong quý I/2018.

Điểm nữa được ghi nhận là nhiều ngân hàng đã đạt được tăng trưởng cao và ổn định. 100% NHTM tham gia khảo sát tháng 5 vừa qua kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành Ngân hàng sẽ đạt trên 10%. Nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2018 hết sức tích cực, có ngân hàng dự định với mức tăng trưởng lên tới 40-65%.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian tới, các ngân hàng cũng sẽ gặp một số thách thức nhất định. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định, tăng trưởng tín dụng đã đỡ nóng và bớt rủi ro vì tăng trưởng tín dụng cao không còn đổ vào bất động sản mà chuyển sang khách hàng cá nhân. Song, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất sẽ vẫn là những vấn đề tâm điểm các ngân hàng cần quan tâm trong quá trình hoạt động.

 Tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến trong khi đó độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp dẫn đến việc ngân hàng và các TCTD gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay. Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh càng trở nên gay gắt, những ngân hàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn; chưa kể đến những quan ngại cho rằng tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.

Trước vấn đề liệu làn sóng Fintech và cách mạng công nghiệp 4.0 có làm khó ngành Ngân hàng? TheoVietnam Report: 93% ngân hàng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…); 80% số ngân hàng đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và CNTT.

Trên thực tế, các ngân hàng trong Top 10 cũng đang tiếp cận và gia tăng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh như Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, VPBank với ứng dụng Timo, VietinBank đầu tư ứng dụng dữ liệu lớn với Dự án Kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hay MB hợp tác với Infosys, Amigo triển khai Data Warehouse…

Nhưng ngành Ngân hàng cũng đang đối mặt với những thay đổi lớn do các thành tựu công nghệ mang lại. Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dùng, tự động hóa các dịch vụ tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân, tạo nên sự cạnh tranh lớn trong khối ngân hàng.

Bên cạnh đó, Fintech (các tổ chức với lợi thế công nghệ đã phát triển các giải pháp công nghệ mới với kỳ vọng phối hợp với ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thuận tiện với nhu cầu khách hàng) cũng là một ví dụ điển hình về tác động của làn sóng ứng dụng công nghệ lên tài chính.

Rủi ro về sự cạnh tranh trực tiếp là rất rõ rệt: 87,5% chuyên gia đánh giá "Sự trỗi dậy của các công ty Fintech hiện nay đang là thách thức đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung". Khó khăn lớn nhất trong sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là làm sao để sự phối hợp giữa hai bên được suôn sẻ thì trình độ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế, ngành Ngân hàng và cả người dân cũng đang trở thành thách thức lớn.

Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, đòi hỏi những lời giải kịp thời và sự nỗ lực “phi thường” của Nhà nước, Vietnam Report khuyến nghị. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan