25.05.2018 15:22

Cần sự đồng bộ để Nghị quyết về xử lý nợ xấu thực sự phát huy tác dụng

Đó là kiến nghị của đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, sáng 25/5.

 

 Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)

Đánh giá cao báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng phân tích, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện.

“Nhận định đó được minh chứng bằng những số liệu hết sức tích cực khi 8/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch”, ông Tùng nêu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Tùng, kết quả nổi bật nhất của năm 2017 là tăng trưởng kinh tế đột phá, cao nhất kể từ năm 2011, lạm phát kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng đồng đều ở các ngành, lĩnh vực, cơ cấu chuyển theo hướng tích cực.

Về kết quả của những tháng đầu năm, theo vị đại biểu của Hải Phòng, 4 tháng đầu năm cũng rất tích cực, tăng GDP quý 1 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua, cao hơn cùng kỳ ở cả 3 khu vực; Cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt mức 63,5 tỷ USD - gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ; xuất siêu 3,39 tỷ USD, hiệu quả tín dụng tiếp tục cải thiện khi tốc độ GDP nhanh, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ấn tượng với kết quả xử lý nợ xấu, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, Nghị quyết 42 đạt kết quả khả quan khi chỉ trong hơn 7 tháng Nghị quyết có hiệu lực đã xử lý được 175 nghìn tỷ đồng nợ xấu, giúp tổng số nợ xấu giảm từ mức 9,02% tháng 8/2017 xuống còn 7,2% tổng dư nợ hiện nay; nợ xấu nội bảng chỉ còn 2,18%.

“Việc triển khai Nghị quyết 42 đã đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên qua khảo sát tại địa phương còn có nhiều khó khăn vướng mắc như nhận thức và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan còn chưa quyết liệt, chưa đồng bộ trong việc thu giữ tài sản bảo đảm”, đại biểu Tùng đánh giá và lưu ý, hoạt động thi hành án nợ xấu ngân hàng còn chưa thực sự hiệu quả, lúng túng; việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp giao tài sản bỏa đảm và xử lý tài sản bảo đảm chưa phát huy hiệu do chậm có văn bản hướng dẫn.

Từ những đánh giá trên, đại biểu Tùng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, tập trung quan tâm hướng dẫn địa phương và có giải pháp đồng bộ để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng.

Trước đó, khi thảo luận ở tổ ngày 22/5, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Trong đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) khẳng định: Đến nay Nghị quyết 42 đã mang lại hiệu quả tích cực.

"Đây là thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị và trong những người làm công tác điều hành kinh tế", ông Kiên nhấn mạnh và lý giải, từ trước tới nay chúng ta cứ quan niệm, thiếu tiền thì ra ngân hàng vay; vay tiền rồi mà không trả được thì cứ từ từ và nếu không thì kêu lên...

“Triển khai Nghị quyết 42 có nghĩa rằng khách hàng có vay thì phải có trả và đã đưa tài sản bảo đảm vào cam kết phần vay, khi không thực hiện được trả được nợ thì phải thực hiện nghĩa vụ dân sự. Còn các chính sách về an sinh xã hội của Nhà nước thì chúng ta thực hiện riêng. Theo Nghị quyết 42 lần đầu chúng ta làm được như vậy”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên phân tích. 

 

Thời Báo Ngân Hàng 

Các tin liên quan