Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng khá mạnh, 0,41% so với tháng trước do một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế.
Cụ thể, trong tháng tất cả 11 nhóm hàng hóa dịch vụ đều tăng giá. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 2,14% (dịch vụ y tế tăng 2,79%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,11%).
Đứng thứ hai về mức độ tăng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,63%. Trong đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,84% do giá sắt thép tăng 5%-10%; giá gas trong nước điều chỉnh tăng 7,94% so với tháng 9; giá dầu hỏa bình quân tháng 10/2017 tăng 4,04%.
Với mức tăng 0,61%, nhóm giao thông đứng thứ ba về mức độ tăng. Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù trong tháng Mười giá xăng dầu có 2 đợt điều chỉnh giảm, nhưng do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 20/9/2017 làm chỉ số giá nhiên liệu tăng 1,44%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - tăng 0,31%. Trong đó lương thực tăng 0,57%; thực phẩm tăng 0,37%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%.
Nhóm giáo dục cũng tăng 0,19% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,21%) do trong tháng có 6 tỉnh thực hiện lộ trình tăng học phí.
Ngoài ra, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá và bưu chính viễn thông cùng tăng 0,01%.
Với diễn biến giá cả tháng 10 như vậy, tính chung 10 tháng đầu năm, CPI tăng 2,25%; còn so với cùng kỳ năm 2016, CPI tăng 2,98%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Có thể thấy việc CPI tăng khá mạnh trong những tháng vừa qua chủ yếu do giá các hàng hóa – dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh tăng theo lộ trình; cộng thêm giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 10/2017 chỉ tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Về diễn biến 2 nhóm hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 10/2017 giảm 0,88% so với tháng trước; tăng 5,18% so với tháng 12/2016; tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2017 giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 0,07% so với tháng 12/2016 và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024