08.12.2017 11:22

Bước đột phá trong quản lý QTDND

Việc triển khai thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ tin học vào công tác giám sát hoạt động của QTDND sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực...

Hoạt động giao dịch thường ngày tại QTDND phường Gia Cẩm - thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ

Nếu như năm 2013, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã phải thực hiện tới 24 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các QTDND, đưa ra tới 165 kiến nghị xử lý và kết thúc năm 2013 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tới 21/35 QTDND xếp loại yếu kém cần xử lý; thì ngay sau năm đầu tiên triển khai Hệ thống kết nối thông tin với các QTDND, đến hết năm 2014 chỉ còn 12/35 QTDND xếp loại yếu kém.

Trong cả 2 năm sau đó, dù số lượng các cuộc thanh tra chỉ bằng 1/2 của năm 2013, nhưng đã khắc phục xong tình trạng yếu kém và 2016 chỉ có 01 Quỹ bị xếp yếu kém do chủ động phát hiện và xử lý quyết liệt của Thanh tra.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang cho biết về kết quả thí điểm của “Dự án Nâng cao chất lượng giám sát Quỹ tín dụng nhân dân qua phần mềm kết nối thông tin với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh”… Đây cũng là một đề tài khoa học cấp ngành vừa mới được công bố và dự kiến nhân rộng trên toàn quốc. 

Ông có thể nói rõ hơn vì sao NHNN Chi nhánh Phú Thọ lại đặt vấn đề cấp thiết nâng cao chất lượng giám sát QTDND thông qua phần mềm kết nối thông tin với NHNN Chi nhánh tỉnh ngay từ thời điểm 2013?

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, toàn quốc lúc đó đã có trên 1.000 QTDND hoạt động tại 56/63 tỉnh, thành phố; quy mô hoạt động của các QTDND ngày càng lớn, cả về nguồn vốn, số lượng thành viên tham gia, dư nợ cho vay thành viên… đã có tác động tương ứng ngày càng lớn tới nền kinh tế - xã hội, nhất là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, giảm được nạn cho vay nặng lãi trước đây vẫn luôn tồn tại ở những địa bàn có ít tổ chức tín dụng hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số QTDND có dấu hiệu dần xa rời mục tiêu ban đầu là hoạt động tương trợ thành viên. Ở một số tỉnh có QTDND hoạt động không tuân thủ quy định của NHNN, pháp luật nhưng chậm được phát hiện. Có thời điểm hoạt động của một số QTDND đã trượt ra khỏi sự giám sát của Chi nhánh NHNN, dẫn đến hậu quả phải xử lý nặng nề…

Trong khi đó công tác giám sát thường xuyên đối với hoạt động của các QTDND còn hạn chế bởi việc khai thác là từ các báo cáo, thống kê theo định kỳ. Tuy nhiên, các loại báo cáo, thống kê này lại rất khó kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính chính xác và kịp thời.

Các biện pháp quản lý hoạt động đối với các QTDND trên địa bàn chủ yếu vẫn là qua kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp hàng năm của Thanh tra, giám sát Chi nhánh NHNN nhưng lại nặng về kế hoạch, còn thụ động, dựa trên cơ sở thời gian mà các QTDND chưa được thanh tra, hoặc dựa trên kết quả xếp loại hàng năm của QTDND...

Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng “Dự án Nâng cao chất lượng giám sát Quỹ tín dụng nhân dân qua phần mềm kết nối thông tin với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh” là đòi hỏi thực tế, khách quan xuất phát từ thực thi công vụ, nhiệm vụ của Chi nhánh NHNN.

Vậy dự án này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Dựa trên những khoảng trống trong quá trình quản lý giám sát đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội QTDND và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Vụ giám sát ngân hàng) phối hợp thiết kế, xây dựng, lập trình và cài đặt hệ thống phần mềm kết nối thông tin báo cáo giữa các QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với NHNN Chi nhánh Phú Thọ (gọi là Hệ thống Thông tin báo cáo, viết tắt là "Hệ thống TTBC").

Trong đó NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ là bên đại diện chính và là cơ quan chủ quản, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Vụ giám sát ngân hàng trong việc định hướng và đưa ra yêu cầu xây dựng hệ thống phát triển phần mềm.

Hệ thống phần mềm là tài nguyên chung do 3 bên cùng sở hữu. Vì vậy nếu NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ hoặc Hiệp hội QTDND, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Vụ giám sát ngân hàng) cung cấp phần mềm cho bất kỳ đơn vị thứ ba nào đều phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của tất cả các bên.

Các QTDND trên địa bàn là đơn vị cung cấp số liệu và tuyệt đối tuân thủ theo các yêu cầu của NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ trong suốt quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm "Hệ thống TTBC" đồng thời là bên chịu trách nhiệm thanh toán chi phí cho Hiệp hội QTDND.

Khi hệ thống phần mềm "Hệ thống TTBC" hoàn thành, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã triển khai, chỉ đạo các QTDND ký kết Hợp đồng kinh tế ba bên giữa NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, các QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghệ tin học trực thuộc Hiệp hội QTDND Việt Nam để triển khai cài đặt.

Trong quá trình triển khai dự án khó khăn nào là lớn nhất, NHNN Chi nhánh Phú Thọ đã làm gì để hóa giải những khó khăn đó?

Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án, đó là việc sử dụng không thống nhất phần mềm trong giao dịch của các QTDND. Có nhiều công ty cung cấp phần mềm cho QTDND hoạt động ở các vùng miền trên cả nước. Quy mô hoạt động, đầu tư về công nghệ của các QTDND không đồng đều.

QTDND sử dụng phần mềm mang tính tự phát, chưa có sự định hướng chung của NHNN Chi nhánh tỉnh, NHNN Việt Nam về thống nhất sử dụng phần mềm trên phạm vi địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. Cùng với đó là nhận thức về sự cần thiết của công nghệ mới của các QTDND không đồng đều và tâm lý ngại tiếp xúc với phần mềm mới…

Để giải quyết vấn đề này Chi nhánh NHNN tỉnh phải tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho các QTDND thấy khi thống nhất sử dụng 01 phần mềm giao dịch sẽ có những thuận lợi như: Quản lý cơ sở dữ liệu của các QTDND được thống nhất; Công tác giám sát, quản lý các QTDND được kịp thời, phòng tránh và cảnh báo rủi ro trong hoạt động của QTDND.

Ngay bản thân các QTDND cũng sẽ thuận lợi trong công tác tổng hợp và báo cáo số liệu; sử dụng công nghệ mới hiện đại, bảo mật, an toàn và đồng bộ trong toàn hệ thống; Quản trị dữ liệu đồng bộ, an toàn, hạn chế tối đa việc lợi dụng của các đơn vị cung cấp phần mềm làm lộ thông tin về hoạt động của QTDND...

Được biết, NHNN Việt Nam cũng có phần mềm giám sát, tuy nhiên đến nay đã không còn phù hợp, không đảm bảo yêu cầu giám sát, quản lý. Vậy với phần mềm này, những hạn chế đó có được giải quyết thỏa đáng?

Giá trị cốt lõi của Chương trình này là nâng cao được chất lượng giám sát của Thanh tra NHNN Chi nhánh qua việc phân tích các thông tin có liên quan đến hoạt động của các QTDND từ phần mềm kết nối với các QTDND. Từ đó sớm có các cảnh báo, kiểm tra, hướng dẫn, thanh tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời; tiết kiệm cả về thời gian, nhân lực và chi phí cho hoạt động thanh tra, giám sát.

Mặt khác, thông qua Chương trình này NHNN Chi nhánh thống nhất được việc sử dụng phần mềm giao dịch của các QTDND trên địa bàn, nhằm đáp ứng cho việc thống nhất cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phát triển các phần mềm ứng dụng, và đặc biệt là công tác quản lý dữ liệu của các QTDND vào một đầu mối, tránh việc nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp phần mềm giao dịch cho các QTDND có thể làm ảnh hưởng đến an toàn số liệu hoạt động của các QTDND.

Việc triển khai thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ tin học vào công tác giám sát hoạt động của QTDND sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả công tác thanh tra trực tiếp và các bộ phận làm công tác thống kê trong việc khai thác dữ liệu phục vụ cho việc kiểm duyệt các báo cáo thống kê, báo cáo điện tử, báo cáo tài chính... đối với QTDND.

Hệ thống kết nối thông tin được sử dụng sẽ thúc đẩy công tác thanh tra chuyển mạnh từ thanh tra trực tiếp sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, tăng hiệu quả giám sát, yêu cầu QTDND tự kiểm tra, tự chấn chỉnh. Do vậy số cuộc thanh, kiểm tra sẽ giảm; từ đó tiết giảm lớn cả về thời gian và chi phí hoạt động cho Chi nhánh NHNN.

Theo ông, nếu áp dụng toàn quốc, những vi phạm như vừa qua tại các QTDND có được cảnh báo, kiểm soát triệt để?

Mong muốn có cảnh báo, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các vi phạm… là điều luôn luôn thường trực ở các nhà quản lý kể cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Trên thế giới xưa và nay chưa có công cụ nào luôn thỏa mãn triệt để được mong muốn này.

Còn đối với chúng ta hiện nay, việc áp dụng thực hiện “Dự án Nâng cao chất lượng giám sát Quỹ tín dụng nhân dân qua phần mềm kết nối thông tin với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh” chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả quản lý của NHNN. Đặc biệt là trước nhiệm vụ của Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh được Thống đốc giao chịu trách nhiệm toàn bộ về an toàn hoạt động của các QTDND trên địa bàn. Các dấu hiệu sai phạm của QTDND sẽ sớm được nhận diện hơn. Việc xử lý, ngăn chặn sẽ được kịp thời hơn. Từ đó hậu quả xấu sẽ ở mức thấp hơn.

Tuy nhiên cũng cần xác định rõ rằng Chương trình phần mềm ứng dụng chỉ là công cụ hỗ trợ. Còn khả năng phát hiện và ngăn chặn đạt được ở mức độ nào còn phụ thuộc vào người sử dụng nó; phụ thuộc vào trình độ, khả năng của người được giao nhiệm vụ giám sát, khai thác, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin và đạo đức nghề nghiệp. Máy móc nào, phương tiện nào cũng không hoàn toàn thay thế được con người.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tính đến thời điểm hiện nay Phú Thọ có 39 QTDND hoạt động tại 60 xã, phường, thị trấn trong 11 huyện, thị, thành phố; với tổng nguồn vốn 3.323 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 2.710 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 2.923 tỷ đồng; 7 quỹ có dư nợ trên 100 tỷ đồng, quỹ có dư nợ cho vay cao nhất là 159 tỷ đồng. Nợ xấu tính chung ở mức thấp và luôn nằm trong tầm kiểm soát.

Hiện tại Chi nhánh NHNN đang chỉ đạo các QTDND tiếp tục tăng cường huy động vốn tại địa phương, nhất là vốn trong thành viên QTD, tự chủ về nguồn vốn để có điều kiện giảm lãi suất cho vay thành viên; phấn đấu đến 31/12/2017 hầu hết các QTDND trên địa bàn tỉnh có tổng vốn huy động trong thành viên đạt từ 50% đến 60% tổng nguồn vốn huy động.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin luôn được ưu tiên, trang bị đầu tư thích đáng. 100% các QTDND trên địa bàn sử dụng thống nhất phần mềm trong giao dịch và đã trang bị khá đầy đủ hệ thống máy vi tính, máy đếm tiền và phát hiện tiền giả, hệ thống mạng LAN kết nối các thiết bị trong QTD và mạng internet với thuê bao IP tĩnh kết nối với NHNN, NHHTX phục vụ cho giao dịch và báo cáo của các QTDND. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan