11.09.2017 07:00

Bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến thêm một bước trong việc lành mạnh hóa các TCTD.

Khỏe hay yếu đều phải tái cơ cấu

Cùng với việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu (XLNX), Chính phủ đã thông qua Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020. Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tuy không phải như “cây đũa thần” nhưng Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ hỗ trợ cho việc XLNX nhanh hơn, triệt để hơn. Cùng với đó Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD cũng nêu vấn đề phải xử lý tình trạng sở hữu chéo và không để tồn tại NH yếu kém.

TS. Trần Du Lịch cũng đánh giá cao việc Đề án cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất từ một đến hai NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á; các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên). Đồng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng bổ sung thêm: nếu như giai đoạn trước việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD mới xử lý phần ngọn thì Đề án lần này được kỳ vọng sẽ xử lý gốc những vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay.

 

QTDND cũng thuộc diện phải đẩy mạnh tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống NH 

Theo một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), ngoài mục tiêu tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý đặc biệt chú trọng đến việc từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM. Một mục tiêu khác của ngành Ngân hàng là đến năm 2020 tăng gấp hai lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM; Hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 1 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác trong Đề án giai đoạn này là các QTDND cũng được đưa vào diện đẩy mạnh tái cơ cấu. Bởi hiện nay, công tác quản trị, điều hành ở một số QTDND còn bộc lộ hạn chế, yếu kém như: chưa nhận thức được hết vai trò, nhiệm vụ của chủ tịch và các thành viên HĐQT, của ban điều hành cho nên chưa làm hết, chưa đúng chức năng, thậm chí có biểu hiện lấn sân, vượt thẩm quyền, chủ trương định hướng không phù hợp. Chính vì vậy, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc chấn chỉnh hệ thống QTDND được đưa vào Đề án là rất đúng đắn.

Trong thời gian qua, một số chi nhánh NHNN địa phương – nơi có nhiều các QTDND, đã triển khai Đề án này tới lãnh đạo chính quyền các xã, lãnh đạo các quỹ để đẩy mạnh việc lành mạnh hóa hệ thống này. Bởi phải phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống QTDND và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả mới góp phần xoá đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một phần không thể thiếu trong cơ cấu lại hệ thống TCTD lần này là phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Vì vậy, vấn đề XLNX sẽ được xem như nhiệm vụ trọng tâm.

Hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh

Thực tế ở nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với XLNX là quá trình liên tục khách quan, cần thiết và thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và XLNX trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, ngân hàng vốn là lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, chính vì vậy việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX cần được thực hiện thận trọng, từng bước, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tận dụng tối đa các nguồn lực tự xử lý của TCTD. Theo các chuyên gia, nếu như giai đoạn I, việc tái cơ cấu hệ thống có phần mang tính “chữa cháy khẩn cấp” thì đợt này cần cơ cấu lại TCTD một cách toàn diện theo các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp với đặc điểm cụ thể của từng TCTD và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Đặc biệt, vấn đề XLNX phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD. Cùng với việc phát huy hơn nữa vai trò của VAMC trong việc XLNX, chúng ta cần huy động và sử dụng mọi nguồn lực, để cơ cấu lại hệ thống các TCTD và XLNX trong nền kinh tế căn bản và toàn diện.

Ở góc độ pháp lý, việc Chính phủ, Quốc hội chấp thuận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD cho thấy quyết tâm trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) cho rằng, tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để các TCTD yếu kém và XLNX bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Luật mới cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan