Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,02%; CPI tháng 5/2018 dự báo ổn định do giá cả tiếp tục được kiểm soát hay Fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020... đó là một số thông tin kinh tế - tài chính đáng chú ý trong tuần 4 tháng 5/2018.
KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Ngân sách Mỹ đạt thặng dư 214 tỷ USD trong tháng 4/2018 nhờ kinh tế khả quan
Đây cũng là mức thặng dư theo tháng cao nhất của nước này kể từ năm 1968. Nguyên nhân do: (i) Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện, các khoản chi được kiểm soát; (ii) Tốc độ tăng của thu NS (12%) cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chi NS (8,4%).
Mức đầu tư vào nền kinh tế của khu vực EU giảm bình quân 2,3%/năm trong 10 năm
Theo Eurostat (20/5), các khoản đầu tư vốn của khu vực EU đã giảm mạnh trong vòng 10 năm qua. Trong giai đoạn 2007-2017, trung bình tổng mức đầu tư vào nền kinh tế của khu vực này ở mức 22,4%, nhưng có mức giảm bình quân 2,3%/năm. Năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20,1% GDP. Việc suy giảm của nguồn vốn đầu tư sẽ làm giảm động lực tăng trưởng và gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế của khu vực EU.
Kinh tế Nhật Bản lần đầu tăng trưởng âm kể từ quý 4/2015
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý 1/2018 giảm 0,2% so với quý trước, và giảm 0,6% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng yếu và thời tiết xấu. Nhu cầu tiêu dùng của Nhật Bản đã chững lại trong quý 1 do: (i) người tiêu dùng Nhật Bản thắt chặt chi tiêu; (ii) thời tiết giá rét và giá thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng âm này chỉ là tạm thời, và nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa công bố một số biện pháp để hỗ trợ dòng vốn xuyên biên giới do các cổ phiếu Trung Quốc sẽ được đưa vào các chỉ số của MSCI từ ngày 1/6/2018
Cụ thể, PBoC cho phép các ngân hàng liên quan đến thanh toán bù trừ đồng NDT ở nước ngoài có thể được hỗ trợ thanh khoản đối với đồng NDT từ các ngân hàng trong nước. Đồng thời PBoC cho biết sẽ có kế hoạch nâng cao cơ chế chuyển đổi của đồng NDT.
Kinh tế Nga tăng trưởng vượt mức dự báo của Chính phủ
Cụ thể, trong quý 1/2018, kinh tế Nga tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo 1,1%. Như vậy, kinh tế Nga đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2017 sau 2 năm suy thoái. Tuy nhiên, NHTW Nga dự báo, nền kinh tế này sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,5-2% mỗi năm từ nay đến 2020 do nền kinh tế này vẫn đang chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên và bán vũ khí. Do đó, nếu không có những cải cách mang tính cấu trúc, nền kinh tế này sẽ khó có thể có được sự tăng trưởng bứt phá.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,1%, mức cao nhất từ năm 2011. Đồng thời, xác suất dự báo FED nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 đã lên mức 44%. Chỉ số Dow Jones 30 giảm 0,3%, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%.
Các chỉ số chứng khoán chính của Châu Âu và Châu Á tăng điểm. Chỉ số FTSE 100 (Anh) tăng 0,7% và chỉ số DAX 30 (Đức) tăng 0,6% với việc Anh công bố sẽ duy trì một số quan hệ thương mại với Liên minh Châu Âu.
Chỉ số Nikkei 225 (Nhật) tăng tuần thứ 8 liên tiếp do thông tin kinh tế và xuất khẩu tốt. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,95%.
KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,02%
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo dựa trên 2 kịch bản là kịch bản cơ sở và kịnh bản cao.
(1) Với kịch bản cơ sở - tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,83% và lạm phát ở mức dưới 4,5% khi đầu tư giữ tốc độ tăng ổn định, tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn và xuất khẩu, hệ thống tài chính ổn định.
(2) Với kịch bản cao – tăng trưởng ước đạt 7,02% và lạm phát ở mức 4,8% khi nền kinh tế đạt những kỳ vọng như kịch bản cơ sở, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế trong năm 2018.
CPI tháng 5/2018 dự báo ổn định do giá cả tiếp tục được kiểm soát
Mặc dù giá dầu thế giới vẫn diễn biến phức tạp, song mức ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước sẽ không lớn bởi sự chủ động trong điều hành giá thông qua việc sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, trong năm 2018, lạm phát sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như: tăng lương tối thiếu vùng, tăng giá điện, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục.
Fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020
Cụ thể, báo cáo “Mở khóa tiềm năng phát triển Fintech Việt Nam” của Solidiance1, thị trường Fintech Việt Nam (tài chính công nghệ) sẽ có nhiều triển vọng phát triển nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như:
(i) tỷ lệ phổ biến của Internet, điện thoại thông minh và ví điện tử; (ii) thu nhập và tiêu dùng tăng; (iii) lĩnh vực thương mại điện tử phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo ra “khung quy tắc ngày càng có tính hỗ trợ”. Nhờ đó, quy mô thị trường Fintech Việt Nam năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ
Trên thị trường mở, tuần qua NHNN hút ròng 8.200 tỷ đồng
Trong tuần kết thúc ngày 18/5/2018, NHNN đã phát hành 8.400 tỷ đồng tín phiếu thông qua nghiệp vụ outright với mức lãi suất 0,9%. Đồng thời, có 200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và không phát sinh nghiệp vụ Repo. Tính chung lại, NHNN bơm ròng 8.200 tỷ đồng trong tuần. Lũy kế từ đầu năm NHNN hút ròng 27.689 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ so với tuần trước
Tính đến ngày 18/5/2018, lãi suất O/N ở mức 1,3%, lãi suất 1 tuần ở mức 1,4% và lãi suất 1 tháng là 1,8%. Các mức lãi suất này cao hơn chỉ 0,1 điểm % so với thời điểm 1 tuần trước đó. Diễn biến này cho thấy tình hình thanh khoản ổn định của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định.
THỊ TRƯỜNG NGÂN HÀNG
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng còn chậm và chưa triệt để. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng có tình hình tài chính chưa được cải thiện: tỷ lệ nợ xấu còn cao, nhiều khoản nợ tồn đọng chưa xử lý dứt điểm và kết quả kinh doanh tiếp tục thua lỗ.
Theo Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước nên xác định lại khái niệm cho vay tiêu dùng, cụ thể không tính các khoản cho vay mua nhà và sửa chữa nhà vào cho vay tiêu dùng nhằm kiểm soát tốt dòng vốn cho vay bất động sản.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thị trường cổ phiếu
Sau khi không vượt được ngưỡng kháng cự 1.080 điểm, chỉ số VN Index tiếp tục điều chỉnh giảm. Dự kiến VN Index có thể giảm về mức 950 điểm. Giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán thấp, đạt khoảng 4.900 tỷ đồng/1 phiên, giảm 40% so với giá trị giao dịch bình quân tháng 4/2018.
Thị trường trái phiếu
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 2.780 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tỷ lệ trúng thầu đạt 46,2%. Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ 0,03 điểm % so với lần đấu thầu gần nhất ở cả 3 kỳ hạn 5,10,15 năm. Lũy kế từ đầu năm 2018, KBNN đã huy động được 53.981 tỷ đồng TPCP đạt 27% kế hoạch năm 2018.
Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán
Sau chuỗi bán ròng từ 07/02/2018, khối ngoại đã có phiên mua ròng kỷ lục 248,9 triệu cổ phiếu CTCP Vinhomes với giá trị 1 tỷ 250 triệu USD. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài không thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam mà chỉ tái cơ cấu từ những cổ phiếu đã tăng giá nhiều sang cổ phiếu mới niêm yết.
Từ đầu 2018, khối ngoại mua ròng 1 tỷ 860 triệu USD trên thị trường chứng khoán chính thức (1 tỷ 740 triệu USD cổ phiếu, 120 triệu USD trái phiếu).
THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM
Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường triển khai các sản phẩm mới để tăng doanh thu. Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex, CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội mở rộng hợp tác với công ty tài chính để cung cấp sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng tiêu dùng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD đẩy mạnh khai thác sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia13.11.2024
30.10.2024