Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Nhận định về diễn biến lãi suất tiết kiệm hiện nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Ông Quang phân tích thêm, mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/ 2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý 1 và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý 2 hàng năm.
"Từ nhận định đó, chúng tôi cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024", ông Quang đưa ra dự báo.
Mức tăng lãi suất của một số ngân hàng trong tháng 5
Tuần đầu tiên của tháng 5 ghi nhận thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm và không có nhà băng nào điều chỉnh giảm lãi suất: Ngày 4/5, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn với mức tăng trung bình 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm mới nhất tại ngân hàng NCB ở kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,65%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 7 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,7%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 8 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,75%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 9 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, niêm yết ở mức 4,85%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 10 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,9%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 11 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 4,95%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 13 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,3%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 15 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn từ 24-60 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,7%/năm. Đây là kỳ hạn có mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.
Các kỳ hạn dưới 6 tháng, NCB giữ nguyên lãi suất tiết kiệm. Trước đó Ngân hàng này đã hai lần tăng lãi suất trong tháng 4.
Biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất tại NCB. Nguồn: NCB
Trước đó vào ngày 3/5, Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm của GPBank từ kỳ hạn 6 -36 tháng được điều chỉnh tăng trung bình 0,2-0,3 điểm phần trăm. Các kỳ hạn còn lại, ngân hàng này giữ nguyên lãi suất.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm online ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, tương ứng với mức 4,35%/năm; 4,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm, lên 5,15%/năm. Ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm lên 5,25%/năm tại kỳ hạn 18-36 tháng.
Trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ lễ, Ngân hàng TMCP ACB cũng điều chỉnh tăng lãi suất. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm của ACB tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi. Các kỳ hạn khác, ACB giữ nguyên lãi suất.
Đối với mức tiền gửi dưới 200 triệu đồng, mức lãi suất từ 1-3 tháng hiện là 2,5%-2,9%/năm. Hiện mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại ACB là 4,5%/năm. So với biểu lãi suất tiết kiệm dành cho khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng, ngân hàng này cộng thêm tương ứng 0,1 điểm phần trăm lãi suất đối với khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng tại các kỳ hạn, cộng thêm 0,15 điểm phần trăm lãi suất cho tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, cộng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.