Hơn 26 năm hình thành và phát triển, từ Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương rồi chuyển đổi lên mô hình Ngân hàng của các QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng Hợp tác) đã không chỉ đáp ứng vai trò điều hòa vốn cho các QTDND mà đã trở thành điểm tựa và liên kết hệ thống với việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng như trợ lực QTDND thông qua công tác đào tạo và giám sát. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, Ngân hàng Hợp tác cần nâng cao năng lực quản trị hơn nữa, đặc biệt là tài chính đủ mạnh để nâng cao công nghệ, phát triển các sản phẩm ngân hàng hiện đại trở thành động năng dẫn dắt các QTDND hòa nhập cùng công cuộc số hóa của ngành Ngân hàng cũng như quốc gia.
Điểm tựa tài chính duy nhất
Nếu như chỉ nhìn trên con số dư nợ cho vay của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND có thể thấy, tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn chiếm phần lớn thị phần các QTDND, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và khu vực thành viên QTDND nói riêng đều cẩn trọng trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh khiến tăng trưởng tín dụng của các QTDND rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với việc huy động. Tỷ trọng dư nợ cho vay QTDND/tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Hợp tác có xu hướng ngày càng giảm: Năm 2018: 27,3%; năm 2019: 25,9%; năm 2020: 17,2% và tiếp tục giảm còn 12,3% vào thời điểm 31/12/2021, đạt 3.481 tỷ đồng.
Sự thận trọng của người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cũng tạo ra một nguồn vốn nhàn rỗi nhất thời và gửi tiết kiệm trở thành một kênh đầu tư an toàn mà người dân lựa chọn. Đây cũng là lý do, tiền gửi các QTDND tại Ngân hàng Hợp tác liên tục xác lập kỷ lục mới qua các năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Hợp tác Nguyễn Quốc Cường cho biết, chưa bao giờ, lượng tiền gửi về Ngân hàng Hợp tác của các QTDND lại cao như năm 2021, thời điểm cao nhất lên đến 41.000 tỷ đồng; doanh số gửi tiền điều hòa về Ngân hàng Hợp tác đạt 73.523 tỷ đồng trong năm 2021.
Cung vốn lớn hơn cầu tín dụng đặt ra bài toán cho cả QTDND và Ngân hàng Hợp tác. Về phía QTDND, mặc dù huy động dư thừa trong khi tín dụng mở rộng chậm sẽ khiến tăng chi phí vốn. Song vì huy động vốn cũng là một kênh giữ chân thành viên và khách hàng, đảm bảo tỷ lệ huy động trong và ngoài thành viên, đồng thời cũng giữ gìn và nâng cao thương hiệu cho chính QTDND, nên các QTDND không thể gián đoạn hoạt động này. Để giảm áp lực về chi phí vốn, cũng như thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hầu hết nguồn tiền này dồn về gửi tại Ngân hàng Hợp tác.
Để có thể thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn cho hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác đã linh hoạt trong việc đầu tư như gửi tại các tổ chức tín dụng khác; mua trái phiếu; sử dụng vốn khác... Mặc dù, có nhiều thời điểm khó khăn, song nhìn lại cả giai đoạn 2020 - 2021, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác vẫn đảm bảo bù đắp chi phí thậm chí dôi dư để hỗ trợ hệ thống QTDND và khách hàng trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, đặc biệt là những chính sách mà Ngân hàng Hợp tác dành riêng cho các thành viên QTDND.
Điều này có thể thấy rõ qua việc Ngân hàng Hợp tác luôn huy động vốn của các QTDND cao hơn mức lãi suất huy động dân cư trên thị trường, đồng thời đưa ra nhiều mức lãi suất hợp lý để các QTDND lựa chọn tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn. Trong khi đó, mức lãi suất cho vay đối với QTDND luôn thấp hơn mức lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế. Trong năm 2021, Ngân hàng Hợp tác đã 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay QTDND. Ngân hàng Hợp tác cũng đưa ra nhiều kỳ hạn tiền gửi để các QTDND lựa chọn phù hợp, vừa đảm bảo thanh khoản, vừa tăng nguồn thu cũng như đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng và hỗ trợ thành viên.
Ngân hàng Hợp tác luôn đặt việc hỗ trợ QTDND lên hàng đầu, đảm bảo không có tình trạng thiếu vốn hỗ trợ QTDND. Đối với những QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động, Ngân hàng Hợp tác có thể cho vay tối đa 50% nguồn vốn trong tổng dư nợ cho vay thành viên của QTDND, đặc biệt, đối với QTDND mới thành lập (trong thời hạn 2 năm) và QTDND hoạt động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vốn tham gia của Ngân hàng Hợp tác có thể lên đến 70% trong tổng dư nợ cho vay thành viên của QTDND đã trở thành một bệ đỡ cho QTDND mở rộng cho vay thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống...
Ngân hàng Hợp tác cũng là “bà đỡ” của hệ thống QTDND nhiều năm qua khi là điểm tựa tài chính duy nhất hỗ trợ các QTDND xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản. Từ đó, nhiều QTDND đã vượt qua khó khăn, duy trì và tái cơ cấu hoạt động, phát triển ổn định trở lại. Đây cũng trở thành một trợ lực chủ công của NHNN trong việc ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND.
Đặc biệt với tác động sâu rộng của dịch Covid-19, Ngân hàng Hợp tác đã thực hiện các chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của dịch bệnh theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT/NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, theo đó Ngân hàng Hợp tác đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho các QTDND. Đồng thời, từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Hợp tác đã thực hiện kịp thời chỉ đạo của NHNN cắt giảm lãi suất cho vay đối với QTDND và khách hàng trong nền kinh tế. Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác còn có các chương trình tín dụng hỗ trợ đặc biệt dành cho hệ thống QTDND như chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” triển khai quý IV/2021 với lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,5%/năm trở thành động lực cho các QTDND mở rộng cho vay thành viên thời điểm nóng cuối năm.
Bên cạnh các sản phẩm tín dụng hỗ trợ trực tiếp, Ngân hàng Hợp tác cũng đã xây dựng các sản phẩm gián tiếp, góp phần nâng cao năng lực tài chính, tối ưu hóa lợi ích cho QTDND, qua đó, mở rộng hỗ trợ thành viên và kinh tế địa phương như sản phẩm cho vay Hợp vốn liên kết với QTDND về tài trợ vốn nhằm khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn...
Ngân hàng Hợp tác là điểm tựa vững chắc cho hệ thống QTDND
Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ
Không chỉ là điểm tựa tài chính vững chắc cho hệ thống QTDND, từ sau khi chuyển đổi mô hình từ QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Hợp tác đã đặt ứng dụng công nghệ tin học, hiện đại hóa hoạt động là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển. Đặc biệt, việc chuyển đổi hệ thống Core Banking vào năm 2017 đã trở thành tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ tin học sâu rộng từ việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại đáp ứng yêu cầu của các thành viên QTDND cũng như khách hàng trong nền kinh tế cho đến công tác quản lý, quản trị điều hành hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Hợp tác đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, các ứng dụng phần mềm quan trọng như: Core Banking, chuyển tiền điện tử (CF-eBank), thẻ ATM/POS, phần mềm thông tin báo cáo CBeMIS, xếp hạng tín dụng nội bộ, báo cáo giám sát các chỉ tiêu an toàn, báo cáo tài chính, phòng, chống rửa tiền, thông tin tín dụng… Các ứng dụng này không chỉ phục vụ công tác báo cáo thống kê, mà còn là cơ sở để Ngân hàng Hợp tác ra quyết định điều hành quản lý kịp thời và hợp lý... từ đó, tăng cường tính tương trợ và kết nối hệ thống QTDND thông qua việc cung ứng các dịch vụ, sản phẩm hiện đại cũng như cảnh báo rủi ro...
Đến nay, sản phẩm chuyển tiền điện tử CF-eBank đã được triển khai trên 700 QTDND, trở thành dịch vụ quen thuộc không chỉ với thành viên của hệ thống QTDND, mà cả với người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn, thành thị - nơi các QTDND và Ngân hàng Hợp tác hoạt động. Ngân hàng Hợp tác đã phát hành được 23.252 thẻ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng như: Thanh toán mua sắm hàng hóa, rút tiền mặt, chuyển khoản, truy vấn thông tin, giao dịch tài khoản và thực hiện các giao dịch phi tài chính khác tại hầu hết các ATM/POS trên toàn quốc.
Từ năm 2018, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Développement International Desjardins (DID) trong dự án Đẩy mạnh hệ thống QTDND (STEP), hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin quản lý QTDND (hệ thống PRMS) thay thế cho hệ thống CFeMIS. Với việc ứng dụng nhiều công nghệ mới của các hãng hàng đầu thế giới, hệ thống PRMS tạo ra một kho dữ liệu toàn diện và linh hoạt với tính tự động hóa cao, giúp đơn vị quản lý điều chỉnh các báo cáo sẵn có hoặc thiết kế báo cáo mới nhằm đáp ứng các yêu cầu giám sát hoạt động QTDND cũng như hỗ trợ cảnh báo rủi ro cho hệ thống QTDND. Ngoài ra, dự án cũng đang gấp rút hoàn tất thiết kế giải pháp công nghệ thông tin ngân hàng E-banking, trục tích hợp dịch vụ ESB (Enterprise Service Bus) đóng vai trò trụ cột chính, từ đó, Ngân hàng Hợp tác có thể tích hợp thêm các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại; xây dựng kênh giao dịch chuyển tiền 24/7 và thanh toán trên các nền tảng tích hợp với ESB.
Mới đây, Ngân hàng Hợp tác đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động (Co-opBank Mobile Banking) và thẻ chip Co-opBank Napas với nhiều dịch vụ, giao dịch tiện ích như chuyển tiền nhanh 24/7 Napas, thanh toán hóa đơn dịch vụ (Billing), nạp tiền điện tử (Top-Up)…
Những trợ lực của Ngân hàng Hợp tác cả về tài chính và nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ tiền tệ, tín dụng đã góp phần đưa hệ thống QTDND ngày càng vững mạnh về năng lực tài chính, chất lượng cán bộ và trình độ quản lý: Vốn điều lệ đạt 6.344 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020; tổng tài sản đạt 160.553 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020; huy động vốn đạt 141.810 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020; cho vay thành viên đạt 112.205 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020; chênh lệch thu - chi đạt 1.525 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2020; nợ xấu 1.042 tỷ đồng, chiếm 0,93% tổng dư nợ; 1.187 QTDND đang hoạt động góp phần cung ứng tín dụng phục vụ cho phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen.
Tiến xa thêm một bước, Ngân hàng Hợp tác vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến khởi động “Dự án tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số và công nghệ thông tin cho Ngân hàng Hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác cho biết, Dự án sẽ giúp Ngân hàng Hợp tác giải quyết ba vấn đề: Đáp ứng yêu cầu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; yêu cầu của thị trường nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khiến cho các giao dịch điện tử ngày càng được ưu tiên sử dụng và từ chính đòi hỏi thực tế hoạt động của Ngân hàng Hợp tác thực hiện vai trò là đầu mối cho hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.
Đột phá chính mình để kết nối hệ thống
Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư đã xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã. Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX xác định kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn của đời sống xã hội.
Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đặt rõ mục tiêu xây dựng các tổ chức tín dụng là hợp tác xã mà trong đó sự liên kết giữa Ngân hàng Hợp tác với QTDND trở thành một thể thống nhất, hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu về vốn cho các thành viên QTDND hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã.
Việc nâng cao năng lực cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng của QTDND và Ngân hàng Hợp tác càng trở nên cần thiết trong trong bối cảnh CMCN 4.0 và nền kinh tế số đang ngày càng thâm nhập sâu vào nền kinh tế trở thành động lực phát triển của tương lai; nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ lại càng trở lên bức thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 giúp người dân và doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất và thanh toán; trong khi người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa có tài khoản tại các tổ chức tín dụng chưa nhiều; số lượng cá nhân có thói quen sử dụng thẻ ATM, sử dụng các dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking, đặc biệt là người dân ở các vùng núi, hải đảo, vùng nông thôn gần như chưa có.
Thế nhưng để các QTDND tự hiện đại hóa, chuyển đổi số rất khó vì vốn điều lệ quá nhỏ, hiện tổng vốn điều lệ cộng lại mới được 6.344 tỷ đồng và tiềm lực tài chính của họ cũng không sẵn sàng. Vì vậy, cần phải có một đơn vị đứng ra làm công việc này. “Chúng tôi cũng đã nhìn nhận đây là trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác nên phải hướng tới chuyển đổi số một cách nhanh nhất”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Tuy nhiên, năng lực tài chính, công nghệ đang trở thành rào cản cho Ngân hàng Hợp tác thực thi nhiệm vụ này, khi tổng tài sản của Ngân hàng Hợp tác chỉ bằng 1/4 nguồn lực toàn hệ thống QTDND. Với tiềm lực như vậy để làm chức năng đầu mối cũng rất khó khăn. Ví như sản phẩm dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank mặc dù đã xây dựng triển khai được gần 10 năm, song tới nay mới chỉ có 581 QTDND được hưởng dịch vụ. “Tất nhiên, nhu cầu là mong muốn kết nối tất cả, nhưng tiềm lực có hạn và phải làm dần với điều kiện vừa phải tăng cường về năng lực tài chính, vừa phải nâng cao về công nghệ và con người”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác Nguyễn Quốc Cường cho biết. Đặc biệt, có nhiều QTDND trong quá trình tái cơ cấu cũng gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ, đòi hỏi có nguồn kinh phí tài chính nhất định, nên hiện Ngân hàng Hợp tác cũng đã tích cực xây dựng đề án kế hoạch cho tăng vốn cũng như tự bản thân Ngân hàng Hợp tác sẽ có tích lũy, tăng cường chất lượng hoạt động để tạo ra khả năng tài chính quay trở lại hỗ trợ cho hệ thống. Song, với quy mô nhỏ, để có thể đẩy nhanh tiến trình hỗ trợ và hiện đại hóa hệ thống QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết đã trình NHNN xem xét trình Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác lên 5.000 tỷ đồng để Ngân hàng Hợp tác có nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phấn đấu trở thành cổng thanh toán cho các QTDND.
Cùng với đó, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chính sách, chiến lược thu hút các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và sự đóng góp của chính QTDND tham gia với tư cách thành viên; tạo điều kiện cho Ngân hàng Hợp tác có được một cơ chế lãi suất hợp lý có thể huy động nguồn lực trong xã hội để giải quyết nhu cầu hỗ trợ trong hệ thống QTDND.
Vai trò liên kết hệ thống, trụ đỡ hệ thống và vai trò đầu mối hỗ trợ hệ thống của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND cũng cần được làm rõ thông qua các cơ chế, chính sách quy định một cách rõ ràng từ việc xây dựng các quy chế cho vay và huy động, cung ứng sản phẩm dịch vụ vừa đảm bảo tính hợp lý, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Ngân hàng Hợp tác và các QTDND trong mối quan hệ hỗ trợ, đồng thời giúp giải quyết những khó khăn của các QTDND. NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động của QTDND đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và Ngân hàng Hợp tác. Cũng như có lộ trình tăng cường thêm điều kiện để Ngân hàng Hợp tác tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND trở thành một công cụ hỗ trợ cho chức năng quản lý của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống QTDND.
NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025 trong đó tập trung vào các giải pháp đảm bảo các QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã; nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên; tập trung vào mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống của thành viên, phục vụ cộng đồng trên địa bàn.
Đặc biệt, với vai trò là Ngân hàng của hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục tự hoàn thiện hành lang hoạt động của chính Ngân hàng Hợp tác, đảm bảo có thể phát huy vai trò của mình trong việc kết nối với các tổ chức tín dụng cũng như Bảo hiểm tiền gửi và thực hiện những sứ mệnh chính sách do NHNN và Thống đốc NHNN giao cho, đảm bảo hệ thống QTDND phát triển an toàn, ổn định và hỗ trợ các thành viên. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, bộ máy quản trị điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa và hiện đại hóa các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã để phục vụ tốt hơn cho các thành viên. Ngân hàng Hợp tác cũng cần nghiên cứu thiết lập mối liên kết giữa các ngành nghề, giữa các QTDND ngành nghề với các QTDND khác, giữa các QTDND ngành nghề với Ngân hàng Hợp tác phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng, cũng như định hướng phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Theo Tạp chí ngân hàng