26.02.2024 09:29

Vốn tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn

Ngày 26/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, trưởng Đoàn công tác gồm đại diện một số bộ, ngành của Chính phủ đã đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Vĩnh Long năm 2024

Theo báo cáo của địa phương, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” vững chắc của kinh tế tỉnh khi giá trị nông lâm và thủy sản năm 2023 tăng 3,08%, số xã nông thôn mới đã lên 75 xã vượt mục tiêu trước hai năm... Tuy nhiên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Long còn thấp, năm 2023 chỉ đạt 2,1% chưa đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh chung kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất hoặc rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Trong năm 2024, dự báo kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn nên theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, 1 triệu hec-ta lúa chuyên canh, triển khai thế nào, để lúa gạo làm ra có người mua, có thị trường tiêu thụ. ĐBSCL những năm qua có nhiều dự án, mô hình sản xuất, thời gian đầu có vẻ ổn, nhưng cuối cùng doanh nghiệp và nhà nông không đi hết được đoạn đường dài của dự án do sản phẩm không có đầu ra.

“Một dự án liên kết phải đảm bảo doanh nghiệp mua hàng của nông dân, chế biến và xuất khẩu được, mới đảm bảo tính bền vững, hiệu quả” – ông Bùi Văn Nghiêm nói và cho biết khi có liên kết bền chặt, doanh nghiệp sẽ tạo ra việc làm, thu nhập. Thực tế, công nhân lao động ở khu vực ĐBSCL đi làm có tiền công, tiền lương sẽ gửi về nuôi cha mẹ, người thân ở quê nhà, nên nhu cầu chỗ ở của công nhân là thuê, không phải mua nhà ở tại các khu công nghiệp tập trung như ở các đô thị lớn.

Từ thực tiễn đó, chính sách 1 triệu căn hộ của Chính phủ đến năm 2023 cần tính toán kỹ đối với khu vực nông thôn, dựa trên tập quán sinh hoạt của người dân. Ông Nghiêm cũng mong muốn, các ngân hàng thương mại không chỉ nghiên cứu hỗ trợ công nhân lao động có chỗ ở, mà tiếp tục đầu tư vốn trung dài hạn xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, tạm trữ nông sản trong vùng để khuyến khích sản xuất và tạo lập an sinh xã hội.
Đại diện NHNN cho biết, sẽ có thêm chính sách để tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước ta khi tới đây an ninh lương thực tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong những năm tới.

Đại diện NHNN cũng cho rằng, với 1 triệu hec-ta lúa chất lượng thì vấn đề bảo quản và đầu ra cần tính toán kỹ. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tới đây sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2018/NĐ-CP về cho vay nông nghiệp nông thôn. Theo đó, những tỉnh có tỉ lệ nông nghiệp, nông thôn cao sẽ được hưởng lợi sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung này được Chính phủ thông qua. Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm thiệt hại cho thiên tai, dịch bệnh. Ngành Ngân hàng sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu mô hình khả thi để đẩy mạnh hơn nữa vốn tín dụng vào các hợp tác xã.

Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM có vốn nhà nước chi phối không giao chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh quá lớn cho các chi nhánh để các đơn vị của mình ở ĐBSCL có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là các khoản vay trung dài hạn.

Kết luận buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đồng quan điểm về việc khi triển khai các dự án nông nghiệp cần đảm bảo sản phẩm làm ra phải có người mua; và cần phát triển nhà ở công nhân phù hợp với nhu cầu người dân. Thống đốc yêu cầu đại diện các bộ ngành hữu quan trong đoàn công tác nghiên cứu để có chính sách phù hợp với đời sống tập quán của người dân trong vùng ĐBSCL.

Thống đốc NHNN thông tin, năm 2024, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trước những biến động kinh tế thế giới làm cho sức cầu suy giảm, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường trong chuỗi cung ứng xuất khẩu…

Chương trình công tác này thực hiện theo phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 8 kiến nghị Chính phủ và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Công Thương. Trong đó 4 kiến nghị về đầu tư, xây dựng; 2 kiến nghị về chính sách tín dụng; 1 kiến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí; 1 kiến nghị về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại.

Theo đó, 5 kiến nghị đã được các bộ, ngành xử lý, bao gồm các kiến nghị về tín dụng, thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại... 3 kiến nghị đã và đang xử lý do các quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung có liên quan như: điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật quy hoạch nông thôn,... Năm 2024 tỉnh bổ sung thêm hai kiến nghị về chương trình 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao và Vĩnh Long kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu (được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) để đảm bảo tính tuân thủ và thực thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Sau buổi làm việc tháng 2/2024, Đoàn công tác sẽ chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Tiếp tục rà soát, có biện pháp cụ thể tháo gỡ theo thẩm quyền đối với các khó khăn vướng mắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, 3 chương trình mục tiêu quốc gia... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan