Thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia như mục tiêu đặt ra là điều kiện quan trọng và cần thiết để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được tiềm năng đầy đủ. Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Ông Alain Cany
Theo ông, lý do nào khiến các tổ chức nước ngoài duy trì quan điểm tích cực trong các dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Tôi cho rằng có hai cơ sở chính đằng sau sự lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam năm nay. Thứ nhất là yếu tố cơ bản dài hạn, bất chấp cú sốc ngắn hạn của Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt đối với các công ty châu Âu, việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vào tháng 8/2020 tạo thêm động lực để họ mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ hai là Việt Nam đã kiểm soát tốt cả 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây. Vì vậy, có một sự tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong kiểm soát, xử lý đợt bùng phát lần thứ 4 này mà không gây ra thiệt hại lớn hay tác động tiêu cực về lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, sự tự tin này hiện còn phụ thuộc vào sự thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia như mục tiêu đặt ra. Điều này sẽ rất cần thiết để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được tiềm năng đầy đủ.
Vậy EuroCham đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 và triển vọng cả năm nay?
Bất chấp những thách thức trong 6 tháng qua, các thành viên EuroCham vẫn tự tin và lạc quan về triển vọng dài hạn của môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, phần lớn phụ thuộc vào việc làn sóng thứ tư có thể được kiểm soát sớm không và các hạn chế đi lại hiện tại sẽ kéo dài bao lâu.
Khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) hàng quý gần đây nhất (quý I/2021) của EuroCham cho thấy, tâm lý tích cực gần như đã tăng trở lại ngang mức trước đại dịch. Tuy nhiên, dữ liệu này đã được thu thập trước khi làn sóng thứ tư xảy ra. Vì vậy, cuộc khảo sát sắp tới của chúng tôi (quý II/2021) rất có thể sẽ cho thấy một sự giảm sút về triển vọng tích cực khi các doanh nghiệp EU đánh giá đầy đủ tác động của đợt bùng phát dịch này cũng như kỳ vọng tiêm chủng cho các nhân viên của họ.
Từ thực tiễn kinh tế 6 tháng và triển vọng đặt ra như vậy, ông thấy còn những bất cập, thách thức gì?
Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã dẫn đầu thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nhưng thách thức hiện đã chuyển từ ngăn chặn nghiêm ngặt sang việc tiêm chủng rộng rãi. Điều này đòi hỏi một bộ chính sách khác với những chính sách đã giúp kiểm soát 3 làn sóng đầu tiên.
Chính phủ đã nhận ra thách thức này và công bố một mục tiêu đầy tham vọng - nhưng chúng tôi tin là có thể đạt được - đó là tiêm chủng cho khoảng 70-75% dân số ngay trong năm nay. Nếu cả khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài đều có thể tham gia vào động lực này, thông qua đóng góp tài chính hoặc chuyên môn kỹ thuật của họ, thì tôi tin chương trình tiêm chủng này có thể được đẩy nhanh và Việt Nam sẽ có thể mở cửa trở lại sớm hơn, với ít thiệt hại hơn cho cả vấn đề y tế sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế.
Về tình hình thu hút FDI những tháng đầu năm 2021, ông có nhận xét gì?
Việt Nam đã bắt đầu năm 2021 ở một vị trí vững chắc. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực của năm 2020 và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng của các công ty và hoạt động thương mại của họ. Ví dụ, Chỉ số BCI quý I vừa qua cho thấy, 32% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán sẽ tăng kế hoạch đầu tư của họ trong ba tháng tiếp theo, 60% cho biết sẽ duy trì mức đầu tư hiện tại của họ…
Tuy nhiên như đã nói, đây là trước khi đợt bùng phát dịch lần thứ tư xảy ra và chúng tôi dự đoán rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn, trong cuộc khảo sát tiếp theo của chúng tôi.
Bên cạnh đó, một trong số những thách thức lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt hiện nay là các hạn chế đi lại từ bên ngoài vào Việt Nam và các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt. Sự luân chuyển vốn bị kìm hãm khi có những rào cản đáng kể như vậy đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư của họ. Vì lý do này, EuroCham đã đề xuất Chính phủ Việt Nam cần xem xét nới lỏng những hạn chế này cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được tiêm phòng tại nước sở tại, vì điều này sẽ giúp tăng vốn FDI chảy vào mà không gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Vậy theo ông, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp nào để thu hút tốt hơn FDI, cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng?
Thách thức lúc này đối với Việt Nam là lặp lại thành công của những đợt kiểm soát dịch trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội, kiểm soát biên giới và cách ly không phải là giải pháp lâu dài. Về lâu dài, những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên tăng tốc thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng hiện nay. Đây là chìa khóa để mở khóa các hạn chế về biên giới và đảm bảo rằng chúng ta có thể quay lại công việc kinh doanh như bình thường càng sớm càng tốt.
Ngoài việc thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện với quy mô và tốc độ nhanh chóng, Chính phủ cũng có thể thực hiện một số bước quan trọng khác để đạt được các mục tiêu kinh tế của mình. Ví dụ, cần tiếp tục tinh gọn, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng tuân thủ hành chính cho các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa vào việc làm, tăng trưởng và phát triển.
Đặc biệt, những quy định mới về giấy phép lao động cho người nước ngoài đang gây lo lắng cho cả chủ doanh nghiệp và những nhân viên lao động nước ngoài của họ. Các quy định mới trong Nghị định 152 hạn chế hơn và kém thuận lợi hơn so với các quy trình trước đây, tạo ra khả năng không khuyến khích thu hút FDI trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng.