02.08.2022 13:34

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng

1. Thực trạng tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta thời gian qua
 
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Thực tế cho thấy, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân1.
 
Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, Bộ Công an đã phát hiện hơn 2.500 cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng mạng tại Việt Nam (tăng 10% so với năm 2020). Tình trạng rao bán, chia sẻ trái phép thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng có chiều hướng gia tăng; vấn đề phát tán tin chưa kiểm chứng của một số “người nổi tiếng” trên mạng xã hội tạo dư luận phức tạp, nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự. Các đối tượng lập các sàn giao dịch tài chính trái phép, kêu gọi đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo kèm theo các cam kết về lợi nhuận lớn. Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội triệt phá 04 sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại tệ trái phép (Rforex.com, Yaibroker, Vistraforex, Exwuiss) có thể trực tiếp can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Lập trang web với mục đích lừa đảo, mua, bán các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19. Các đối tượng lập hơn 300 website, thực hiện 40.000 giao dịch về các sản phẩm khan hiếm trong dịch bệnh như nước rửa tay, khẩu trang y tế với hơn 7.000 nạn nhân ở 50 bang của Hoa Kỳ, chiếm đoạt 975.000 USD. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quy mô lớn. Năm 2021, Bộ Công an đã phát hiện 479 vụ, tăng 36,47% so với năm 2020. Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tình trạng mua, bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên Internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng2. 
Các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen
 
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động tín dụng đen để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động tín dụng đen. Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng tín dụng đen hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của tín dụng đen chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và rộng khắp với tần suất cao để đạt được hiệu quả cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
 
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật phải căng mình thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhất là phòng, chống dịch Covid-19 dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.
 
2. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong phòng, chống tín dụng đen 
 
Thực hiện vai trò là cơ quan phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN (là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng) đã ban hành Kế hoạch hành động3 và chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen. NHNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; thực hiện điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản... 
 
Đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN. Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 274.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,3% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống chiếm tỷ trọng 25,7% tổng dư nợ. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 04 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.
 
Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 3,3% - 6,6%, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính và không cần tài sản bảo đảm. Đến cuối tháng 4/2022, dư nợ đạt 262.917 tỷ đồng, tăng 6,03% so với ngày 31/12/2021, với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ4. Bên cạnh đó, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động thu nhập thấp, không thể chứng minh được tài sản bảo đảm có thể tiếp cận các khoản vay của công ty tài chính tiêu dùng (công ty tài chính cho vay đối với khách hàng chưa hoặc khó tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm có nhu cầu vay món nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến ngày 31/3/2022, các tổ chức tài chính vi mô cho vay khách hàng tài chính vi mô chiếm 94,5% tổng dư nợ, các khoản cho vay này đều không yêu cầu tài sản bảo đảm, các thủ tục, chính sách cho vay của tổ chức tài chính vi mô đã được thiết kế phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng này.
 
NHNN thường xuyên tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo nguời dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”; xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng chính thức.
 
3. Vai trò của NHNN trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng 
 
Theo báo cáo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành Ngân hàng thuộc nhóm phải chịu số lượng lớn các cuộc tấn công từ tội phạm mạng. Đặc biệt là giai đoạn 2019 - 2020, có khoảng 4.000 vụ tấn công an ninh mạng có chủ đích, sử dụng nhiều thủ đoạn như giả mạo website ngân hàng, đánh cắp tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền và cũng đã có ngân hàng bị tấn công xâm nhập hệ thống.
 
Trước những thách thức đó, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chú trọng đầu tư cho an toàn thông tin và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tấn công mạng. Nhờ đó, các hệ thống thông tin trong ngành Ngân hàng luôn được đảm bảo an toàn, hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, không tấn công được các hệ thống thông tin của ngân hàng, tội phạm đã gia tăng tấn công vào đối tượng dễ bị tổn thương hơn là khách hàng của ngân hàng bằng phương thức, thủ đoạn tấn công lừa đảo qua các tin nhắn, website giả mạo (Phishing) để đánh cắp tiền. Bên cạnh đó, tại Việt Nam đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; thuê người hoặc sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản để nhận chuyển tiền lừa đảo, cá độ trực tuyến... thông qua các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking...
 
Trước tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, năm 2021, Thống đốc NHNN đã ban hành một Chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay (Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01/6/2021). Đầu năm 2022, Thống đốc NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 21/01/2022 đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý; làm tốt công tác truyền thông về chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn trên không gian mạng và các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua các kênh giao dịch ngân hàng điện tử; triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt giao dịch liên quan đến người cao tuổi; rà soát, hoàn thiện các biện pháp xác thực, định danh khách hàng điện tử, bảo đảm xác định chính xác khách hàng; thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; triển khai tổng thể các giải pháp phòng, chống lộ, lọt thông tin, dữ liệu mật, nhạy cảm, trong đó có thông tin khách hàng của ngân hàng qua các hệ thống thông tin; tổ chức tốt việc phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Năm 2021, NHNN đã xử phạt 225 vụ với số tiền gần 6,8 tỷ đồng.
 
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, hằng năm, NHNN đều tổ chức các đoàn kiểm tra các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về tuân thủ các quy định an toàn thông tin và kiểm tra đột xuất theo các chuyên đề về rủi ro công nghệ phát sinh trong từng giai đoạn (trung bình khoảng 10 tổ chức tín dụng/năm). Thông qua công tác kiểm tra, NHNN đã phát hiện, kiến nghị và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, rủi ro về an ninh, bảo mật công nghệ thông tin và tiếp nhận các vướng mắc, kịp thời điều chỉnh, cập nhật các chính sách chỉ đạo, điều hành về công nghệ thông tin.
NHNN xây dựng và tổ chức hiệu quả hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố; an toàn thông tin ngành Ngân hàng; ban hành Hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực chung của toàn ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin. Đồng thời, hằng năm, tổ chức 1 - 2 đợt diễn tập, cuộc thi về điều tra, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin để nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm xử lý sự cố an toàn thông tin cho các đơn vị trong Ngành.
 
Ngành Ngân hàng đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong bảo đảm an toàn thông tin của ngành Ngân hàng trên không gian mạng, như: Phối hợp thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin tại các tổ chức tín dụng; thiết lập kênh trao đổi thông tin nhanh để xử lý các website giả mạo các trang web Internet Banking của các ngân hàng Việt Nam; đào tạo, tập huấn, diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin cho Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng; triển khai kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thí điểm sử dụng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp (Match on Card - MoC) trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để định danh, xác thực điện tử khách hàng trong các giao dịch mở tài khoản, rút tiền tại ATM và một số dịch vụ ngân hàng điện tử...
 
Năm 2020, NHNN là cơ quan cấp Bộ duy nhất (cùng 3 tỉnh/thành phố) được xếp hạng A về an toàn thông tin theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông và tiếp tục được xếp hạng A trong năm 2021. Các tổ chức tín dụng, các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ được đảm bảo an toàn, hoạt động liên tục, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp hạng cao nhất trong các ngành về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin5.
 
4. Định hướng phát huy vai trò của NHNN trong phòng, chống tín dụng đen và phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng thời gian tới
 
4.1. Định hướng phát huy vai trò của NHNN trong phòng, chống tín dụng đen 
 
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng chính thức.
 
Chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả.
 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ minh bạch, đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến tín dụng đen.
 
Bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, để hạn chế hoạt động tín dụng đen cần có sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12/CT-TTg; tuyên truyền các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thức được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp giảm chi phí cho vay, giảm thời gian thẩm định, quyết định cho vay; sớm có giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tin nhắn giả mạo, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
 
4.2. Định hướng phát huy vai trò của NHNN trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng
 
NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng; tăng cường triển khai các giải pháp đang thực hiện, đặc biệt công tác quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và công tác phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan.
 
NHNN phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng cho phép các ngân hàng kết nối khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chíp để phục vụ xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng, hạn chế hành vi gian lận, mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử6.
 
NHNN nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền... Phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án.
 
NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật7.
 

1 Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
2 Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021).
3 Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tuớng Chính phủ, góp phần hạn chế tín dụng đen.
4 Báo cáo số 166/BC-NHNN ngày 05/6/2022 của NHNN về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
5 Báo cáo số 166/BC-NHNN ngày 05/6/2022 của NHNN về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
6 Báo cáo số 166/BC-NHNN ngày 05/6/2022 của NHNN về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
7 Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Tạp chí Ngân hàng

Các tin liên quan