01.09.2021 14:38

Tăng hạn mức cho vay lúa gạo

Ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN về tăng cường các biện pháp hỗ trợ vốn cho thương nhân thu mua lúa gạo vụ hè thu và thu đông 2021, các ngân hàng ở các tỉnh, thành phố như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… đã vào cuộc “cứu giá” ngành lúa gạo.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021 dư nợ cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng hơn 16,3% so với cuối năm ngoái. Để tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tuần cuối tháng 8 các ngân hàng đã mở rộng thêm 253 tỷ đồng hạn mức tín dụng cho 18 doanh nghiệp, nâng tổng hạn mức tín dụng dành cho thu mua lúa, gạo năm 2021 lên 9.556 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ cũng thông tin, dư nợ cho vay thu mua chế biến xuất khẩu lúa gạo của các TCTD tại địa phương trong tháng 8 đã tăng thêm gần 200 tỷ đồng lên hơn 11.200 tỷ đồng, chiếm 9,74% tổng dư nợ và tăng 34,66% so với tháng 12/2020. NHNN chi nhánh thành phố đã chỉ đạo các NHTM, xem xét tiếp tục giảm một phần lãi suất và giãn thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN, đồng thời cho vay mới với lãi suất ưu đãi đảm bảo các thương nhân không thiếu vốn để thu mua lúa gạo trong dân.
Ảnh minh họa
Với các NHTM, ông Lê Viết Quyền - Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho hay, ngân hàng này đã cho vay thu mua lúa gạo khoảng gần 595 tỷ đồng. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ vốn kịp thời thu mua nguồn lúa, gạo trong dân, Agribank Hậu Giang đang tiến hành rà soát tất cả các hồ sơ vay của doanh nghiệp, từ đó linh hoạt tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng. Chi nhánh cũng kiến nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động đăng ký giao dịch đảm bảo được thuận lợi nhằm mở thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay.

Bên cạnh đó, BIDV và VietinBank đang cho vay ngành lúa gạo với mức dư nợ khá lớn (từ 17.000 – 34.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 7/2021).

Không chỉ các NHTM Nhà nước, các ngân hàng thuộc khối cổ phần tư nhân cũng tích cực nhập cuộc tăng hạn mức và giảm lãi suất cho vay thu mua lúa gạo. Chẳng hạn, MB cho biết, đến hiện nay các chi nhánh ở khu vực ĐBSCL đã cho vay khoảng 4.500 tỷ đồng cho khách hàng kinh doanh lúa gạo. Trong các tuần tới, mạng lưới ngân hàng này ở ĐBSCL sẽ giải ngân thêm khoảng 2.000 tỷ đồng, tức là sẽ có khoảng 6.500 tỷ đồng MB cho vay ngành lúa gạo trong năm nay.

Sacombank cũng có dư nợ cho vay lúa gạo đạt gần 12.000 tỷ đồng và thời gian tới sẽ tiếp tục xem xét nới hạn mức để giải ngân thêm vài nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực kinh doanh lúa gạo.

Sự vào cuộc tích cực của các TCTD trong việc hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp để thu mua lúa gạo được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết, từ khi Chính phủ siết lại hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo đến nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn trụ lại trên thị trường đều là các doanh nghiệp uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy, các NHTM cho vay tài trợ vốn chế biến xuất khẩu gạo khá thuận lợi.

Tuy nhiên theo ông Thành, trong chuỗi giá trị lúa gạo thì mắt xích thương lái là rất quan trọng. Trong khi đa số thương lái đều ít vốn, chủ yếu là vay mượn anh em bạn bè để thu mua trong dân rồi bán lại cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh di chuyển khó khăn và nhu cầu mua của doanh nghiệp cũng sụt giảm (do hàng tồn kho còn nhiều) nên nhiều thương lái không thu mua, thậm chí bỏ cọc. “Vì vậy, để tạm trữ lúa gạo hiệu quả thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thương lái không chỉ về vốn vay mà cả về điều kiện ưu tiên, thời gian di chuyển, cơ chế liên kết với chính quyền các địa phương và doanh nghiệp để thu mua kịp thời hiệu quả đối với các vùng lúa gạo trọng điểm”, ông Thành đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, để kích thích các doanh nghiệp mua lúa gạo dự trữ thì Chính phủ, NHNN phải có văn bản chỉ đạo cụ thể. Theo đó, cần cho phép các NHTM mở rộng tối đa hạn mức cho vay tín chấp cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thêm hạn mức vay và còn kho trữ thì họ sẽ hợp tác với thương lái để tăng mua vào nhập kho chờ xuất khẩu.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng lây lan dịch Covid-19 như hiện tại, các địa phương khu vực ĐBSCL cũng cần phối hợp để chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện xét nghiệm nhanh và cấp đầy đủ các giấy tờ đi lại cần thiết cho đội ngũ thương lái và nhân viên nhập kho của doanh nghiệp. Bởi hiện nay, cả khu vực ĐBSCL đã có khoảng gần 1 triệu ha lúa hè thu được thu hoạch, tính cả vụ thu đông sớm sẽ thì lượng lúa cần thu mua sẽ đạt khoảng hơn 8 triệu tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng mong muốn các cơ quan liên quan nhanh chóng tháo gỡ nút thắt vận chuyển lúa gạo từ ruộng về nhà máy xay xát và kho trữ của doanh nghiệp. “Trong tình cảnh hiện nay nếu thương lái thu mua mà không vận chuyển kịp thời được về nhà máy trong vòng 24 giờ lúa sẽ bị hư hỏng, cả thương lái và doanh nghiệp đều phải chịu thiệt”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan