Thời gian qua, đối với khu vực nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân khu vực này. Để tín dụng ngân hàng ngày càng phát huy hiệu quả với khu vực nông thôn, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng đều qua các năm. Năm 2014 tăng 10,8%, năm 2015 tăng 13,34%, năm 2016 tăng 18,09%, năm 2017 tăng 25,5%, năm 2018 tăng 21,4% so với năm trước. Đến cuối năm 2019, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018 và chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Cuối năm 2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 7,0% so với cuối năm 2019, chiếm trên 24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Đến cuối tháng 11/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Có được kết quả trên là do ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực cần được ưu tiên về vốn và có những chỉ đạo, chính sách kịp thời. Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; sau đó là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá (như nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến nguồn vốn khác; mở rộng việc cho vay không có tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực như cho vay đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay tái canh cà phê, hỗ trợ sản xuất, thu mua chế biến lúa gạo, cho vay thủy sản, rau quả...
Về lãi suất, NHNN đã quy định chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4,5%/năm). NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình tín dụng như: cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)...
Ngành Ngân hàng cũng triển khai tích cực nhiệm vụ được giao tại Chương trình Mặt trận Tổ quốc xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng ngân hàng góp phần không nhỏ giúp hoàn thành chương trình trước thời hạn, là tiền đề để xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quan hệ tín dụng ngân hàng.
Về mạng lưới, nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay lĩnh vực này thì hiện nay, có gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và NHCSXH tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; với mô hình ngân hàng lưu động của Agribank, các điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản tại 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cho đại đa số bộ phận người dân.
Thời gian qua, các ngân hàng như Agribank, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, NHCSXH cũng đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hơn 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đến cuối tháng 10/2021, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với các giải pháp tích cực nêu trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Ngoài ra, không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM). Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, các TCTCVM được xem như một “đòn bẩy” hữu hiệu giúp người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa. Tại Việt Nam, có khoảng 04 TCTCVM chính thức được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các TCTD, gồm: TCTCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM), TCTCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7, TCTCVM Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI) và TCTCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP).
Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế việc đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, nông nghiệp là một trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (như thiên tai, dịch bệnh…) nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Các mô hình liên kết số lượng còn ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, tình trạng mất cân đối cung cầu sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thường diễn ra, trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch còn bất cập... các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như thời gian qua, việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ. Trong khi đó, các ngân hàng phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro nên phải thẩm định kỹ để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng cho người dân nông thôn
Thời gian tới, bên cạnh triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngành Ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng các giải pháp đồng bộ khác nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân nông thôn, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.
Về hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi.
Đồng thời, ngành Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến nhằm gia tăng tiện ích, đảm bảo an toàn cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng.
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, để vốn tín dụng đến được với người dân khu vực nông thôn, công tác truyền thông có vai trò quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân. Trong đó, cần truyền tải thông tin về cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của “tín dụng đen”.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Để đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thực sự hiệu quả, cùng với các chính sách và giải pháp của ngành Ngân hàng, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và bản thân các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cần nâng cao công tác đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương cần quan tâm chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; chủ động triển khai, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để người dân có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm thế chấp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất.
Ở tầm vĩ mô, cần đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công an, đây là cơ sở để TCTD có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.
Đối với tổ chức TCVM, NHNN và các bộ, ngành liên quan cần tiến tới xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể dài hơi tiếp theo cho loại hình TCTCVM để loại hình này tiếp tục đóng góp tích cực hơn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, cần chú trọng một số vấn đề cơ bản: Tiếp tục chuẩn hóa mô hình tổ chức hoạt động của các TCTCVM, các chương trình, dự án tài chính vi mô thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý vừa khuyến khích sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống TCTCVM, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình này; tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân, đặc biệt là người dân nghèo nâng cao khả năng hiểu biết và dễ dàng tiếp cận với loại hình tài chính này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân ở khu vực nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
Hoàng Anh (Ngân hàng Nhà nước)
Theo Tạp chí Ngân hàng