Mô hình quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đến nay địa phương đã có 59 quỹ tín dụng nhân dân được NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An cấp phép thành lập và hoạt động trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố.
Giúp thành viên mở rộng sản xuất, kinh doanh
Mô hình QTDND trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đến nay địa phương đã có 59 QTDND được NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An cấp phép thành lập và hoạt động trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố; trong đó 58/59 QTDND hoạt động theo mô hình liên xã, phường, thị trấn, nâng tổng số xã, phường, thị trấn có hoạt động của QTDND trên toàn tỉnh là 155 đơn vị, 43/59 QTDND có phòng giao dịch, với tổng số thành viên tham gia 121.284 thành viên, bình quân mỗi QTDND có 2.055 thành viên.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, hệ thống QTDND đã tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành và hiệu quả hoạt động, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định an toàn hệ thống, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn Nghệ An đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2020. Nguồn vốn bình quân mỗi quỹ đạt trên 150 tỷ đồng; mỗi quỹ huy động đạt gần 140 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt đã giúp các quỹ chủ động hỗ trợ thành viên của mình. Nguồn vốn đi vay của các quỹ chỉ còn trên 90 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng nguồn vốn hoạt động.
Nguồn vốn chủ sở hữu của các QTDND cũng được tăng trưởng dần qua các năm. Bình quân mỗi quỹ có vốn chủ sở hữu đạt gần 9 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 116 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép (chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay). Hầu hết các QTDND đều có tiền gửi tại Ngân hàng Hợp tác xã và có xu hướng tăng, tạo điều kiện cho các quỹ chủ động về thanh khoản và thể hiện uy tín ngày càng cao đối với thành viên và người dân trên địa bàn.
Đến nay đã có 14 QTDND ký hợp đồng làm đại lý chi trả kiều hối cho TCTD và đã được NHNN Chi nhánh Nghệ An chấp thuận. Các QTDND tham gia đầy đủ và nghiêm túc bảo hiểm tiền gửi cho thành viên, đóng quỹ bảo toàn cho Ngân hàng Hợp tác xã theo đúng quy định. Đảm bảo thực hiện tốt công tác điều hòa vốn cho hệ thống QTDND trên địa bàn.
Hỗ trợ kịp thời hoạt động các QTDND
Nói về sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các QTDND trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho biết, cùng với việc triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo của Thống đốc, UBND tỉnh tới các QTDND, chi nhánh thường xuyên tổ chức tập huấn định kỳ để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đảm bảo việc thực hiện và tuân thủ nghiêm túc trong hoạt động của các QTDND. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát luôn được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý.
Thời gian qua, NHNN chi nhánh Nghệ An và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát hoạt động đối với hệ thống QTDND. Nhờ đó, hoạt động của các QTDND trên địa bàn cơ bản ổn định và được nhân dân tiếp tục tin tưởng, đồng hành và ủng hộ...
Ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: Nhìn chung, việc phối hợp giữa và các cơ quan, ban, ngành được thực hiện chặt chẽ, phát huy hiệu quả, từng bước hỗ trợ hoạt động của các QTDND. Bên cạnh việc góp phần hỗ trợ người dân, địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hoạt động của mô hình QTDND còn góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Không ít QTDND có mức thuế nộp cao hơn nhiều DNNVV. Đáng chú ý, đã góp phần giải quyết việc làm trực tiếp cho người dân địa phương với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, các QTDND đã tích cực chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Thời báo Ngân hàng
13.11.2024
30.10.2024