NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh
Tại Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” do Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông (NHNN) phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, NHNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ. Theo đó, NHNN đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), xây dựng sửa đổi bổ sung các thông tư, hướng dẫn nghị định, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, an ninh, an toàn…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ trong nhiều năm qua, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298 nghìn POS. 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020: Thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, theo ông Dũng là thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa… Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật…
Thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển vượt bậc
Ghi nhận những nỗ lực từ phía ngân hàng trong việc phát triển TTKDTM, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, những sản phẩm TTKDTM thời gian qua đã thể hiện nhiều tiện lợi nhất là trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, trong các tháng dịch Covid-19 căng thẳng, tỷ trọng TTKDTM ở các chuỗi cửa hàng, siêu thị tăng trưởng mạnh, có thời điểm chiếm đến 40-50% tỷ lệ thanh toán của Saigon Co.op (trước khi dịch bệnh xảy ra chiếm 4%).
Tuy nhiên theo ông Đức, hiện hạ tầng chấp nhận TTKDTM còn chưa thuận tiện cho người tiêu dùng và nếu không sớm được cải thiện, khi nới lỏng giãn cách xã hội người tiêu dùng có thể lại quay trở lại sử dụng tiền mặt. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động này các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng, trung gian thanh toán cần chủ động chuẩn bị tốt hạ tầng thanh toán. Theo đó, cần xây dựng các liên minh thanh toán, đa dạng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với người tiêu dùng, trong đó, cần có chính sách ưu đãi thuế, phí… khuyến khích thanh toán và chấp nhận TTKDTM.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, các ngân hàng phải có giải pháp lồng ghép dịch vụ TTKDTM vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng để người dân có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. Việc “nhúng” giải pháp thanh toán trực tuyến vào các ứng dụng số của fintech, của các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ, sàn thương mại điện tử vì thế cần đẩy mạnh và liên tục đổi mới, mở rộng.
Về định hướng thời gian tới, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ.. trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM
Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đưa giá trị thanh toán lên gấp 25 lần GDP, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, từng bước tạo lập thói quen TTKDTM… Để đạt được các mục tiêu trên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.
12.11.2024