Năm 2022 NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, tập trung vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên
Hỗ trợ tích cực mục tiêu tăng trưởng
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tiếp tục giữ nhịp và kết thúc năm 2021, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020 cao hơn so với mức 12,17% của năm 2020. Như vậy, tín dụng đã tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng, khi đã tăng gần 470.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Có được kết quả tích cực trên, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong năm 2021, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, NHNN đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, những TCTD thực hiện tốt việc giảm lãi suất cho vay để kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH.
Năm 2022 NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, tập trung vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, như đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế…
Theo đánh giá của SSI Research, nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP tương đối khả quan trong quý IV ở mức 5,22% cao hơn mức tăng trưởng 4,6% vào quý IV năm trước. Trên cơ sở kết quả năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2022 nhưng linh hoạt điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình thực tế cho thấy ngành Ngân hàng đang mở rộng khả năng cung ứng vốn hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng 14% là khả thi
Mục tiêu trên trùng với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 của các TCTD và các NHTM đều lạc quan với tình hình tăng trưởng tín dụng trong quý tới. Tại kỳ điều tra này, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý I/2022 và cả năm 2022 (64-79% TCTD kỳ vọng “tăng” so với 57 - 77% có cùng kỳ vọng ở quý trước), trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022.
Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, kỳ vọng trên là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn về triển vọng kinh tế có nhiều điểm tích cực tạo động lực tín dụng khởi sắc. Theo ông Tùng, giai đoạn này cách nhìn dịch bệnh rất khác. Số ca bệnh tại Việt Nam và trên thế giới tăng, nhưng số ca nặng không tăng, thậm chí giảm nên người dân tự tin hơn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cộng với việc vắc-xin và thuốc chữa có sẵn nên phản ứng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đối với Covid không cực đoan như trước đây. Hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, thậm chí tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép mở đường bay quốc tế, di chuyển các tỉnh thuận lợi hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thương.
Yếu tố hỗ trợ nữa là nhu cầu đầu tư mới cả 3 khu vực là đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư nước ngoài dự báo tăng. Thực tế đến thời điểm hiện tại dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Với việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế tạo đòn bẩy để mở rộng dự án đầu tư công, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… Khu vực đầu tư tư nhân bắt đầu sôi động hơn trong việc mở rộng đầu tư các lĩnh vực khác nhau đón sóng hồi phục kinh tế. Theo đó, nhu cầu vốn xã hội chắc chắn sẽ tăng.
Cộng thêm định hướng của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ tuy kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn duy trì sự linh hoạt theo hướng ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế qua giải pháp duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo thanh khoản cao. Ngoài ra, các ngân hàng cũng nỗ lực kích cầu tín dụng qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giải pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay.
Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cũng tỏ ra lạc quan khi cho rằng, tín dụng đã bật tăng sau khi nền kinh tế trở lại bình thường mới đã minh chứng việc ngân hàng bắt nhịp rất nhanh đối với mọi sự thay đổi. Nhu cầu vốn tiêu dùng cũng như sản xuất đang gia tăng trong vài tháng qua. Nhất là Quốc hội vừa thông qua gói kích thích quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hoàn toàn khả thi. Việc phê duyệt sớm gói hỗ trợ còn giải quyết bài toán nợ xấu. Khi đưa vốn vào doanh nghiệp sản xuất tạo công ăn việc làm cho người dân có thu nhập trả nợ ngân hàng.
Tuy nhiên theo đánh giá một CEO ngân hàng, năm 2022 mức độ cạnh tranh khách hàng khốc liệt hơn năm trước nên cũng sẽ có sự phân hoá mạnh hơn trong tăng trưởng tín dụng. “Khi thị trường hồi phục có doanh nghiệp phục hồi nhanh, có doanh nghiệp phục hồi chậm, nên các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp tốt để cho vay”, vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.
Trước lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro khi sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó vì dịch bệnh, một chuyên gia ngân hàng cho biết, NHNN thường xuyên nhắc nhở các TCTD kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Bản thân các ngân hàng cũng luôn ý thức rõ bài học nợ xấu của giai đoạn trước nên cũng rất quan tâm tới vấn đề chất lượng tín dụng.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, nhưng sẽ điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
“Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, NHNN sẽ tăng cường kiểm soát. Thậm chí đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, NHNN có thể sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, NHNN vẫn khuyến khích”, Phó Thống đốc lưu ý thêm.
Theo Thời báo Ngân hàng.
12.11.2024