Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc điểm lại những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, qua đó biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và toàn ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian vừa qua.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, hiệu quả, giúp lãi suất ổn định và có xu hướng giảm để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng tích cực hơn 2023; hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra; duy trì ổn định tỷ giá; đã chuyển giao bắt buộc được 2 ngân hàng; thanh khoản và ổn định hệ thống ngân hàng duy trì tốt…
Về những thách thức trong thời gian sắp tới và những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt, nổi lên là tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới còn có nhiều khó khăn, phức tạp và diễn biến bất thường, những thay đổi trong chính sách như về thuế hay chính sách về tiền tệ… sẽ tác động, ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế trong nước. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần theo dõi rất sát để có những chính sách hợp lý trong từng thời kỳ. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển. Điều hành cần giữ được ổn định cả lãi suất và tỷ giá, các mức tăng giảm phải hợp lý để thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị
Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cho năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu, đồng thời cung cấp vốn thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng lưu ý đồng thời với việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn vẫn phải bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục và hiệu quả của hệ thống ngân hàng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không để gián đoạn. Về phía Chính phủ sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp, vượt trội để triển khai vấn đề tinh gọn bộ máy.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần “cộng sinh”, cùng thắng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời góp phần giảm nợ xấu.
Cần đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh, bảo mật và an toàn trong các giao dịch ngân hàng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong môi trường số và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ, thực trạng lừa đảo cũng ngày càng tinh vi, đòi hỏi các ngân hàng phải luôn làm chủ được công nghệ, ngăn chặn được các hành vi này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển thanh toán điện tử, công nghệ tài chính, và các nền tảng ngân hàng số nhằm mang lại chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo tính minh bạch và tiện ích hơn cho khách hàng, đồng thời giảm chi phí vận hành, giao dịch và quản lý tốt hơn.
Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho dự án sản xuất xanh; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém,… Đẩy mạnh phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực ngân hàng; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, cần coi Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam là một công cụ quan trọng đảm bảo an sinh xã hội để có các biện pháp đầu tư phù hợp, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng, doanh nghiệp, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.