Cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, chúng ta đang chứng kiến sự cải tiến, ứng dụng công nghệ tại nơi làm việc ở tốc độ nhanh hơn bao giờ hết và rất đa dạng trong các ngành nghề khác nhau. Điều này làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức chúng ta sản xuất, sinh sống, làm việc và tương tác lẫn nhau.
Ảnh minh họa
Ngành tài chính Ngân hàng không phải là lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghiệp, tuy nhiên lại là ngành được coi là đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
QTDND là một tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động ngân hàng. Vì vậy, nếu không bắt kịp với nhịp độ phát triển của cách mạng công nghệ nói chung và công nghệ tài chính ngân hàng nói riêng, QTDND sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và tác động tiêu cực. Việc đưa các ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh của QTDND sẽ đem lại cả những triển vọng tích cực cũng như tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của hệ thống QTDND.
Thực trạng ứng dụng CNTT hiện nay ở các QTDND.
Về cơ sở hạ tầng: Các QTDND đã trang bị được trang thiết bị máy tính, máy in, hệ thống mạng đáp ứng yêu cầu hoạt động. Trình độ về tin học và chuyên môn của cán bộ nhân viên trong những năm gần đây đã được chú trọng từ công tác tuyển dụng và đào tạo. Vì vậy, hầu hết các QTDND đã khai thác hiệu quả ứng dụng của phần mềm để phục vụ công tác chuyên môn.
Về áp dụng công nghệ: Các giải pháp phần mềm sử dụng tại các QTDND về cơ bản được đánh giá là dễ sử dụng, phù hợp với hệ thống QTDND và góp phần hỗ trợ hiệu quả các nghiệp vụ tại QTDND, giúp ban lãnh đạo Quỹ thực hiện công tác chỉ đạo điều hành một cách khoa học, kiểm soát hạn chế được nhiều rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động và hình ảnh chuyên nghiệp của Quỹ khi phục vụ khách hàng. Nhờ có hệ thống CNTT mà các QTDND đang từng bước phát triển mạnh mẽ, đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo tại Đề án số 209.
Tuy nhiên, do khung pháp lý cho hoạt động của các QTDND thay đổi liên tục dẫn đến các phần mềm cũng cần thay đổi chỉnh sửa theo, gây ra tốn kém chi phí và áp lực cho cán bộ chuyên môn tại QTDND. Cách thức thực hiện các nghiệp vụ của các QTDND chưa đồng nhất mang nhiều tính chất đặc thù riêng. Vì vậy, việc nâng cấp cải tiến công nghệ cho các QTDND cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số đơn vị, do nhiều nguyên nhân chưa khai thác tối đa được lợi ích từ các giải pháp của phần mềm hay ứng dụng công nghệ vào hoạt động một cách hiệu quả, việc áp dụng còn ở mức sơ sài.
Về thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước: Hiện nay các loại báo cáo gửi tới NHNN đều do các QTDND tự lập, do vậy các thông tin khai thác từ nguồn này thường mang tính chủ quan. Việc đưa ra các biện pháp quản lý hoạt động đối với các QTDND không thể thực hiện liên tục, mà hàng năm dựa trên cơ sở thời gian mà các QTDND chưa được thanh tra, hoặc dựa trên kết quả xếp loại hàng năm của QTDND… lên kế hoạch thanh tra; hơn nữa, trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra có rất ít hoặc không có thông tin của QTDND để chủ động về nội dung, nhân lực thanh tra…
Để khắc phục được các vấn đề trên, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của NHNN. Một số NHNN chi nhánh đã triển khai phần mềm giám sát, đây là phầm mềm thiết kế riêng cho các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. NHNN chi nhánh sẽ luôn cập nhật được những thông tin, dữ liệu, tình hình hoạt động của các QTDND trên địa bàn một cách khách quan - trung thực - đầy đủ - kịp thời, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn và đặc điểm của riêng chi nhánh; bảo đảm ngay tại Trụ sở cơ quan, các thanh tra viên NHNN chi nhánh ở tại trụ sở vẫn có thể giám sát chặt chẽ các diễn biến hoạt động của từng QTDND do mình phụ trách.
Giá trị của phầm mềm giám sát là nâng cao được chất lượng giám sát của Thanh tra NHNN chi nhánh qua việc phân tích các thông tin có liên quan đến hoạt động của các QTDND từ phần mềm kết nối với các QTDND. Từ đó, sớm có các cảnh báo, kiểm tra, hướng dẫn, thanh tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời; tiết kiệm cả về thời gian, nhân lực và chi phí cho hoạt động thanh tra, giám sát. Đây cũng là hoạt động thúc đẩy tiến trình chuyển từ thanh tra tuân thủ, thanh tra theo định kỳ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro.
Nhưng việc cài đặt phần mềm giám sát cho các NHNN chi nhánh mới chỉ dừng lại ở một con số rất khiêm tốn. Trong số rất ít các NHNN chi nhánh được cài đặt thì việc khai thác hiệu quả các tính năng trên phần mềm lại là một con số chọn lọc trong đó. Nguyên nhân là do các QTDND trên địa bàn sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau dẫn đến việc liên kết về một phần mềm giám sát bị xung đột. NHNN chi nhánh chưa chú trọng đến phần mềm nên chưa bố trí cán bộ tiếp nhận, khai thác phần mềm hay chưa đưa ra các biện pháp khen thưởng hay phê bình cho công việc này dẫn đến phần mềm đã được cài đặt, bàn giao nhưng hạn chế khai thác.
Một trong số các phần mềm được nhiều QTDND lựa chọn sử dụng và đánh giá cao là phần mềm ITD-VAPCF do Công ty Tin học của Hiệp hội đang cung cấp tới các QTDND, giải pháp được cấu thành từ rất nhiều phân hệ, đáp ứng được đặc thù của các TCTD. Phần mềm ITD-VAPCF đã đáp ứng đầy đủ các loại hình sản phẩm, chức năng nghiệp vụ, …: Quản lý thành viên/khách hàng; Nghiệp vụ kế toán; Nghiệp vụ cho vay; Nghiệp vụ huy động vốn; Nghiệp vụ chuyển tiền; Nghiệp vụ Tiền gửi tại TCTD khác – tiền vay tại TCTD khác; Quản lý hoạt động kho quỹ; Quản lý tài sản cố định, công cụ dụng cụ; Quản lý hóa đơn điện tử; Quản lý nhân sự tiền lương; SMS Banking …
Ngoài việc nâng cấp các chức năng trên phần mềm để giúp người dùng dễ dàng sử dụng, thao tác nhanh gọn chính xác, giảm bớt chi phí nhân công cho các QTDND, giúp lãnh đạo QTDND quản trị tốt hơn hoạt động của đơn vị, hạn chế rủi ro. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của QTDND luôn được Công ty chú trọng như:
- Việc gia tăng sử dụng công nghệ vào việc bảo mật trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu bằng cách cung cấp các sản phẩm lưu trữ thông minh kết nối dữ liệu máy chủ giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và lấy ra sử dụng khi cần.
- Đang từng bước đầu tư và nâng cấp hệ thống Core banking (phần mềm ngân hàng lõi), công nghệ bảo mật, hệ thống quản lý rủi ro cũng đang được triển khai, tuy nhiên việc đầu tư này không diễn ra một lần mà phải liên tục được nâng cấp.
Việc phát triển CNTT tại các QTDND chưa đồng bộ thống nhất và có định hướng rõ ràng, với số lượng gần 1.200 QTDND hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố, hầu hết QTDND có qui mô nhỏ so với các loại hình Tổ chức tín dụngTCTD khác, sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu. Vì vậy, thúc đẩy phát triển CNTT trong hoạt động của hệ thống QTDND phải triển khai từng phần và diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian dài. Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ từ những quy định, hàng lang pháp lý của nhà nước, nhiệm vụ vai trò của Hiệp hội và chính các QTDND.
- Vừa qua NHNN đã hoàn thành và triển khai thực hiện 2 cuốn tài liệu về tiêu chuẩn nghiệp vụ và công nghệ cho các QTDND áp dụng. Đây là một bước tiến quan trọng để đảm bảo sự thống nhất về hệ thống thông tin nghiệp vụ, giúp các QTDND theo dõi, quản lý các nghiệp vụ phát sinh đầy đủ và chính xác, giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hoạt động giám sát từ xa. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả.
- Hiệp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ về CNTT và việc ứng dụng CNTT, phát huy vai trò của người đứng đầu tại QTDND trong triển khai các ứng dụng CNTT. Việc nhận thức và đánh giá đúng vai trò của việc ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp hết sức quan trọng giúp việc ứng dụng và phát triển CNTT đạt được hiệu quả cao.
- QTDND có kế hoạch tích lũy để đầu tư đổi mới công nghệ có trọng điểm để tạo sự đột phá trong việc ứng dụng CNTT. Nguồn tài chính là yếu tố đầu tiên quyết định cho sự thành công hay thất bại của việc triển khai CNTT. Đầu tư phải đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, QTDND có qui mô nhỏ, nguồn tài chính dành cho CNTT còn ít, do đó để việc đầu tư cho CNTT hiệu quả cần sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng chỗ, đúng mục đích, vì vậy Công tin học Hiệp hội luôn cố gắng tiết kiệm và hỗ trợ các QTDND một cách tốt nhất …
- QTDND tạo điều tiện, bố trí cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo về CNTT. Đây là điều kiện để đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT được ổn định và cải tiến thường xuyên.
Nam Sơn.