17.07.2023 15:20

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, gây ra những khó khăn, thách thức cho nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Cụ thể, lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục đe doạ an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước chịu tác động kép từ khó khăn bên ngoài và nội tại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã vượt khó đạt được các mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động. Để có được kết quả tích cực trên, có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng.

Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn kịp thời, chủ động linh hoạt, 4 lần giảm lãi suất điều hành, điều hành tỷ giá ổn định trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. NHNN đã tích cực hoàn thiện thể chế, hiện đang trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; tham mưu kịp thời theo thẩm quyền các cơ chế chính sách ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân… Ngoài ra, NHNN cũng dẫn đầu trong các cơ quan trung ương về một số chỉ số như 7 lần liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính; hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, tăng cường, thể hiện sự trưởng thành trong khó khăn, hạn chế tiêu cực.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, NHNN cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tính đến cuối quý I/2023, NHNN đã tổ chức 214 buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại trên toàn quốc, hỗ trợ 80.000 doanh nghiệp.

Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng được tích cực đẩy mạnh. Ngành Ngân hàng là ngành có kết quả chuyển đổi số rõ nhất trong tất cả các bộ ngành, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. NHNN và Bộ Công an cũng đã trở thành “cặp đôi hoàn hảo” trong việc phối hợp khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ nền kinh tế, người dân. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cũng không ngừng nâng cao năng lực quản trị điều hành, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, được ghi nhận tích cực của các tổ chức quốc tế như IMF, WB…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ngành Ngân hàng cũng mạnh dạn nhìn nhận một số những hạn chế như dư nợ tín dụng vẫn thấp; mặt bằng lãi suất cho vay còn cao hơn so với mong muốn hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp…

Trong thời gian tới, trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn xen lẫn thời cơ, thuận lợi, Chính phủ ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Song song với đó là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, NHNN cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng có kiểm soát, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khoá mở rộng. Điều hành chính sách làm sao để cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lãi suất và lạm phát, giữa cung và cầu, theo sát, nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài. Đặc biệt, ngành Ngân hàng cần phát huy “tâm - tài - trí - tín” để cùng doanh nghiệp, đất nước vượt qua khó khăn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp, và ngược lại hoạt động cho vay là vấn đề sống còn của ngân hàng. Trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Về hoạt động tín dụng, NHNN tập trung điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý, chỉ đạo các NHTM hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các đối tượng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên vẫn cần theo quy tắc thị trường, cạnh tranh, cung cầu, có sự điều tiết của nhà nước khi cần. Đối với các tổ chức tín dụng, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường số hoá để có điều kiện, dư địa để hỗ trợ khách hàng; đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2%...

Công tác truyền thông chính sách có ý nghĩa rất lớn và vô cùng quan trọng, ngành Ngân hàng đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa, tích cực truyền tải thông điệp của Chính phủ, NHNN. Chủ động, kịp thời thông tin về các chính sách mới, tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh công bố, công khai thông tin để người dân có kênh thông tin chính thống. Qua đó góp phần ổn định tâm lý, ổn định thị trường…

Một số nhiệm vụ khác cũng cần triển khai là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, đào tạo văn hoá kinh doanh trong hệ thống các ngân hàng. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cũng cần chung tay với hệ thống ngân hàng, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay. Ngoài ra, cần phải luật hoá quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ, người cho vay phải có quyền đòi nợ, được luật pháp đảm bảo.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan