22.07.2021 14:32

Thông tư 03/2021/TT-NHNN: hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19

NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 03/2021TT-NHNN với nhiều điểm mới “dễ thở” hơn cho các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Đối với doanh nghiệp, việc bổ sung thêm phạm vi, đối tượng nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ làm giảm bớt áp lực tài chính lên doanh nghiệp khi các khoản nợ đến hạn sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đối với ngân hàng thương mại, việc sửa đổi tại Thông tư 03 sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro, có nhiều tác động tích cực cả trong ngắn và dài hạn.
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH
Thông tư 03 và trước đó là Thông tư 01 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Với Thông tư 03, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 (thay vì trước ngày 23/01/2020 theo Thông tư 01).
Đặc biệt, đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến ngày 10/6/2020, do tính chất của các khoản vay vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là ngắn hạn (thời hạn vay vốn thông thường khoảng 6-12 tháng) nên trong giai đoạn cuối năm 2020, đầu 2021 đã phát sinh nghĩa vụ trả nợ rất nhiều nhưng lại không đủ điều kiện để được cơ cấu nợ theo Thông tư 01. Các ngân hàng thương mại buộc phải cơ cấu nợ và phân loại (chuyển nhóm nợ) theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN hoặc phải để phát sinh nợ quá hạn. Điều này vô hình chung đã làm giảm tác dụng của các chính sách NHNN đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc Thông tư 03 cho phép được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các số dư nợ này và được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu nợ lần đầu hoặc nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đã có tác dụng rất lớn, giúp đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng.
Như vậy, việc mở rộng, bổ sung phạm vi, đối tượng số dư nợ được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03 sẽ làm giảm bớt áp lực tài chính lên các doanh nghiệp trong bối cảnh doanh thu, thu nhập sụt giảm. Quan trọng hơn, sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới để duy trì sản xuất và có thêm thời gian để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
ĐẢM BẢO AN TOÀN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG
Thông tư 03 quy định việc các ngân hàng thương mại phải trích bổ sung số tiền dự phòng cụ thể là số tiền chênh lệch dương giữa: số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng khi áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu. Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất ngày 31/12/2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt vào cuối năm 2022 và 2023.
Thông tư 01 trước đó quy định các ngân hàng thương mại sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro như thông thường khi các khoản nợ đã được cơ cấu hết thời gian cơ cấu nợ tối đa. Điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các ngân hàng thương mại khi không được tiếp tục gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ (đặc biệt là trong năm 2021). Tuy nhiên, với việc “giãn bớt” lộ trình trích lập dự phòng rủi ro thì chi phí dự phòng của các ngân hàng thương mại sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó sẽ gúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Như vậy, khi ban hành Thông tư 03, Chính phủ, NHNN và các cơ quan đã phải đặt ra bài toán cân bằng nhiều lợi ích giữa các bên. Đây là bước đi phù hợp, kịp thời, vừa giải quyết khó khăn, đảm bảo cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống giúp các ngân hàng thương mại trích lập theo năng lực của mình tạo dư địa kiểm soát được rủi ro trong thời gian tới.
Mặc dù, những điểm mới sửa đổi tại Thông tư 03 đã nhận được sự đồng tình nhất định từ các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường do sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virut SARS-CoV-2. Việc hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các ngành vận tải, dịch vụ, du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí, giáo dục… Đồng thời, để đảm bảo chủ động và linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021).
Các doanh nghiệp, người dân nói chung và các TCTD nói riêng đang rất mong mỏi và đề nghị NHNN tiếp tục mở rộng, bổ sung phạm vi, đối tượng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cũng như quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp hơn, với các vấn đề còn vướng mắc như; (i) Không quy định thời gian phát sinh khoản nợ “trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính” mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi; (ii) Sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ của khoản nợ như sau: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 hoặc đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, tùy thời điểm nào đến sau”. (iii) Mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Theo Tạp chí BIDV số 287-6/2021.

Các tin liên quan