Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV diễn ra sáng 30/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ ban hành các nghị định nhằm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật để thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, ban hành kịp thời những văn bản dưới Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua ngày 18/1/2024, NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời rà soát trong hệ thống văn bản quy định nội bộ để sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật.
Cụ thể, NHNN đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng 2024; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.
Song song với đó, xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, NHNN chủ động rà soát các nội dung tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 26 thông tư hướng dẫn thi hành Luật…
NHNN cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và Quyết định 09/2024/QĐ-TTg ngày 1/7/2024 quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là những văn bản dưới luật cần thiết để hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp giấy phép đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô và điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty TNHH một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập, sau khi đã nghiên cứu, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
NHNN cũng đang nghiên cứu, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chương trình dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, của tổ chức phi Chính phủ và Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, do các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là các văn bản có nội dung chuyên ngành, phức tạp, quá trình xây dựng nghị định còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành nên ảnh hưởng tới tiến độ ban hành văn bản.
Tuy nhiên, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ để kịp thời tham mưu và ban hành những văn bản dưới Luật làm cơ sở để thực hiện Luật theo yêu cầu đề ra.
Ngoài ra, để bảo đảm khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024, NHNN nhận thấy các bộ, ngành liên quan khác còn có trách nhiệm trình Chính phủ ban hành các nghị định như: Nghị định quy định về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Nghị định quy định về cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách.
Theo người đứng đầu NHNN, việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị định này nhằm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật để thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo Thời báo Ngân hàng.