18.07.2022 15:48

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Toàn ngành nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng những động thái của NHTW các nước và những thay đổi chính sách vĩ mô trong nước để có những quyết sách, hành động hướng đến mục tiêu “bất di bất dịch” của Ngành đó là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống. Với mục tiêu đó, toàn Ngành tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận hội nghị

Thứ nhất, toàn Ngành cần tiếp tục bám sát Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Cho đến nay các giải pháp vẫn đang đi đúng hướng. Theo đó, cần tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trên thế giới để đưa ra các giải pháp phù hợp, đặc biệt là phối hợp một cách khéo léo giữa chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá và các công cụ chính sách khác để điều tiết hợp lý, đảm bảo đạt được các mục tiêu.

Thứ hai, đối với điều hành tín dụng, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13,6% của năm 2021 và 12% của năm 2020, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của chúng ta. Chỉ tiêu này đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM cũng được tính toán, cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể.

Thứ ba, đối với việc triển khai Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh toàn Ngành cần nghiêm túc thực hiện. Chúng ta cần thể hiện vai trò, vị trí, uy tín, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng đối với chương trình này.

Thứ tư, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện tốt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”. NHNN sẽ có chỉ đạo cụ thể cho từng TCTD, đối với mỗi TCTD cũng phải tự nhận diện các rủi ro để đưa vào đề án tái cơ cấu của mình theo hướng đảm bảo hoạt động kinh doanh ngày càng lành mạnh, hiệu quả.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh hoạt động thanh toán.

Thứ sáu, về tăng cường công tác thanh tra, giám sát toàn diện mọi mặt hoạt động của các ngân hàng: Tập trung vào công tác giám sát hoạt động của từng TCTD, cảnh báo kịp thời và thanh tra theo kế hoạch, thanh tra theo chuyên đề phát sinh. Hiện nay, NHNN đã triển khai hệ thống giám sát từ xa và trên cơ sở hệ thống công nghệ để nắm được các số liệu nhanh của từng TCTD về tất cả các mặt hoạt động. NHNN cũng đang rà soát cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng ở trung ương và các chi nhánh để tập trung lực lượng cho công tác thanh tra, giám sát.

Thứ bảy, làm tốt công tác truyền thông. Hoạt động ngân hàng rất dễ chịu tác động bởi tâm lý kỳ vọng của thị trường nên công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu về quan điểm chính sách của Chính phủ và NHNN; hiểu về thực trạng hoạt động tiền tệ, hoạt động ngân hàng; hiểu về trách nhiệm của NHNN, của Ngành trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao. Các TCTD cần tích cực phối hợp với Vụ Truyền thông để truyền thông về chính sách của NHNN và hoạt động ngân hàng.

Thứ tám, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đây là vấn đề lớn. Trong tháng 10/2022 NHNN phải trình dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền; dự thảo Luật về xử lý nợ xấu cũng phải trình vào tháng 5/2023. Cùng với đó chúng ta phải tiến hành đánh giá, tổng kết Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG, việc triển khai các Nghị định… Các đơn vị trong hệ thống trong quá trình này cần phát huy trách nhiệm, tham gia góp ý, xây dựng.

Đối với các mặt hoạt động khác của Ngành cần tiếp tục bám sát Chỉ thị 01. Các nhiệm vụ đặt ra cho toàn Ngành là rất lớn với yêu cầu cao trong bối cảnh khó khăn, do đó toàn hệ thống phải quyết tâm, nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ từng đơn vị và sự đồng sức đồng lòng trong toàn hệ thống. Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường tính chủ động trong tham mưu, đề xuất các giải pháp. Trong bối cảnh các biến động địa chính trị thế giới nhanh, mạnh như hiện nay, tính chủ động của thủ trưởng các đơn vị là rất quan trọng. Ngay sau hội nghị, các đơn vị chức năng cần rà soát, đề xuất, tham mưu, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tiễn triển khai các chính sách đã ban hành; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực đơn vị mình phụ trách. Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố bám sát chủ động định hướng từ NHNN, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các TCTD trên địa bàn; tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc; Tích cực tham gia các buổi tiếp xúc cử tri để có thể trao đổi, giải thích các chính sách của Ngành.

Đối với các TCTD, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh các thị trường BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD cần rà soát đánh giá toàn diện hoạt động của tổ chức mình; nhận diện rủi ro, có cách thức xử lý phù hợp. Đặc biệt, TCTD phải cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn cho phù hợp; đảm bảo cân đối về thời hạn và cân đối về loại tiền, tránh trường hợp đối mặt với rủi ro thanh khoản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Các TCTD cần tập trung xây dựng và triển khai các phương án tái cơ cấu; Thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn hệ thống ngân hàng và tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số…

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan