02.11.2022 07:09

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) ngày 1/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo, giải trình về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, liên quan đến các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính thì các đối tượng báo cáo trong dự thảo Luật mới là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

“Tại dự thảo Luật mới, chúng tôi bổ sung những đối tượng được quy định ở các văn bản dưới luật, ví dụ đối tượng là trung gian thanh toán”, Thống đốc cho biết.

Về các ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật những công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay là kinh doanh tài chính, tiền tệ trên nền tảng công nghệ,… Thống đốc chia sẻ, trong quá trình xây dựng, ngay từ đầu cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo Luật này, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến nhiều vòng thì các ý kiến cho rằng, vì các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành cho nên chưa nên đưa vào dự thảo Luật này.

“Chính vì vậy, trong dự thảo Luật này quy định giao cho Chính phủ sẽ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi thiết kế theo tinh thần như vậy”, Thống đốc giải trình.

Hay trong quá trình thảo luận cũng có một số đại biểu đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo liên quan đến những hoạt động như đấu giá tranh cổ vật hay đấu giá về quyền sử dụng đất... Hiện nay FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền) chưa đề cập những hoạt động về đấu giá nhưng FATF cũng khuyến nghị các quốc gia khi đánh giá về rủi ro quốc gia nếu thấy có rủi ro có thể bổ sung vào đối tượng báo cáo.

“Hiện nay, NHNN cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá rủi ro quốc gia cho giai đoạn 2018-2022 và trong quá trình đánh giá này, nếu thấy tiềm ẩn những rủi ro rửa tiền thông qua các hoạt động đấu giá này Chính phủ sẽ báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa vào bổ sung về đối tượng”, Thống đốc nói.

Thực sự nghi ngờ sẽ chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh

Một trong những nhóm vấn đề mà các đại biểu đưa ra nhiều trong thảo luận liên quan đến nội dung “dấu hiệu đáng ngờ” và “báo cáo giao dịch đáng ngờ”, Thống đốc cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu mang tính định tính và đây cũng là cách cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm cũng như tính phổ biến tại nhiều quốc gia áp dụng hiện nay, trên cơ sở có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… của Việt Nam.

“Ở đây, dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính, và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có một dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Sau đó, các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ phải tiến hành thu thập thông tin để xem xét xem rằng liệu dấu hiệu này có thực sự theo đánh giá của đối tượng báo cáo xem có nghi ngờ hay không? Họ sẽ phải đánh giá xem là lịch sử giao dịch của khách hàng này như thế nào, hay đối chiếu lại với thông tin khi mà khách hàng đến tổ chức này để thực hiện giao dịch, tức là thông tin xác thực khách hàng và kiểm tra đánh giá xem giao dịch này có phù hợp với hoạt động kinh doanh của chủ thể thực hiện giao dịch này hay không”, Thống đốc nhấn mạnh.

Khi mà các chủ thể đối tượng báo cáo thấy nghi ngờ sẽ gửi cho NHNN và NHNN là đơn vị tiếp nhận những thông tin này cũng tiến hành phân tích, xử lý trên các hệ thống thông tin hiện có của NHNN cũng như là đối chiếu và nếu thấy thực sự nghi ngờ sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh.

Giao dịch này là giao dịch rửa tiền hay là không sẽ được xác định thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. “Ở dự thảo Luật không quy định về định lượng. Bởi vì, nếu như chúng ta quy định nhiều về các dấu hiệu mang tính định lượng, có thể các chủ thể tham gia giao dịch, thực hiện giao dịch sẽ có những cách thức lách các quy định”, Thống đốc báo cáo trước Quốc hội.

Liên quan đến các vấn đề về “trì hoãn giao dịch”, theo Thống đốc, về bản chất, trì hoãn giao dịch là một hình thức phong thỏa tạm thời tài sản của khách hàng, được áp dụng khi đối tượng báo cáo thấy có nghi ngờ hoặc phát hiện ra có các cơ sở liên quan đến những danh sách đen.

Thống đốc phân tích: Danh sách đen là những danh sách của các tổ chức, cá nhân mà liên quan đến tài trợ khủng bố, hoặc là phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đe dọa đến an ninh quốc gia; những bên liên quan đối với các đối tượng hoạt động phạm tội. Quy định này đã có trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, dự thảo Luật này bổ sung thêm "căn cứ nghi ngờ" để thực hiện trì hoãn giao dịch này.

Trong dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể về như thế nào là các căn cứ nghi ngờ và căn cứ này cơ quan soạn thảo cũng sẽ thực hiện theo các khuyến nghị của FATF và trên cơ sở các căn cứ này, các đối tượng báo cáo sẽ có căn cứ để thực hiện trì hoãn các giao dịch.

“Việc trì hoãn giao dịch để ưu tiên đảm bảo cho an ninh quốc gia, nhưng như các vị đại biểu đã phát biểu, là có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức và cá nhân. Do đó, để tránh lạm dụng về ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân thì dự thảo đã quy định thời hạn trì hoãn sẽ không quá 3 ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu như thực hiện theo đúng các quy định của luật. Còn nếu không thực hiện theo đúng các quy định của luật mà gây tổn hại đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự và ở trong luật này thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết”, Thống đốc giải trình với Quốc hội.

Quy định rõ trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng

Về nhóm nội dung liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong xuyên suốt dự thảo Luật đều quy định trách nhiệm của các đối tượng báo cáo, kể cả trực tiếp làm hay thuê một công ty, tổ chức thứ ba đều phải tuân thủ các quy định về bảo mật của Nhà nước cũng như bảo mật những thông tin xác minh của khách hàng. Trong đó, cũng quy định rất rõ trách nhiệm và nếu không thực hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về quy định “Định kỳ 5 năm NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam", một số đại biểu cho rằng việc quy định 5 năm mới đánh giá như vậy là dài, chưa phù hợp với tốc độ phát triển và nguy cơ rủi ro về rửa tiền. Thống đốc cho biết, ngay sau khi có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia 5 năm sẽ có kế hoạch để triển khai và trong kế hoạch triển khai này sẽ được thực hiện rà soát hàng năm, liên tục và bất cứ khi nào có rủi ro phát sinh đều thực hiện chứ không phải chờ đến 5 năm mới thực hiện.

Nội dung liên quan đến việc cơ quan phòng, chống rửa tiền của NHNN cũng được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình rõ. Theo đó, hiện nay trong Luật NHNN có quy định chức năng về phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN. Đồng thời trong luật này cũng quy định chức năng về phòng, chống rửa tiền trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Nhưng khuyến nghị số 29 của FATF cơ quan phòng, chống rửa tiền phải đảm bảo tính độc lập và trao thẩm quyền cho cơ quan này. “Chính vì vậy, trong dự thảo sửa đổi Luật chỉ bỏ chức năng nhiệm vụ của Cơ quan thanh tra, giám sát về chức năng này. NHNN cũng sẽ xây dựng nghị định và trình các cấp có thẩm quyền để thành lập một cơ quan tách biệt riêng để đảm bảo tính độc lập và thực hiện theo khuyến nghị của FATF”, Thống đốc cho biết.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan