12.08.2021 08:38

Thực trạng hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và những tác động tới quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Hoạt động cấp tín dụng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến. Biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc phải có, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng.

Khi khách hàng không trả được nợ, biện pháp bảo đảm là cơ sở để TCTD có thể thu hồi được khoản nợ từ khách hàng. Tuy nhiên, để biện pháp bảo đảm phát huy được hiệu quả thì cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của chủ nợ trong quá trình xác lập giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) thu hồi nợ. Khi các quy định về xử lý TSBĐ đủ rõ ràng, đồng bộ, thống nhất không chỉ là cơ sở để TCTD có thể xử lý TSBĐ nhanh chóng mà còn có tính chất ngăn chặn bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ của mình tại hợp đồng bảo đảm.

Thực trạng hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam 

 Hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam tương đối phức tạp, bao gồm các quy định chung, các quy định theo pháp luật chuyên ngành và quy định đặc thù cho hoạt động xử lý nợ xấu của TCTD.

 Với bản chất hình thành từ các quan hệ dân sự, biện pháp bảo đảm được quy định trong hệ thống pháp luật dân sự chung. Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định một Mục riêng về giao dịch bảo đảm, bao gồm các quy định về các biện pháp bảo đảm, phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, TSBĐ, hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đăng ký biện pháp bảo đảm, các biện pháp xử lý TSBĐ, một số quy định riêng áp dụng cho từng biện pháp bảo đảm.

 Trên cơ sở quy định tại BLDS, các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo khung pháp lý tương đối đầy đủ về giao dịch bảo đảm, cụ thể:  Nghị định số 163/2006/NĐ-CPngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006); Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2020/TT-BTP ngày 17/12/2020 của Bộ Tư pháp); Thông tư số 01/2019/TT-BTP ngày 17/01/2019 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSBĐ (Thông tư liên tịch số 16). 

Song song với hệ thống pháp luật chung về giao dịch bảo đảm được quy định tại BLDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, biện pháp bảo đảm còn được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến điều kiện nhận bảo đảm, việc xử lý TSBĐ. Ví dụ: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định biện pháp bảo đảm là thế chấp đối với TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, điều kiện để tài sản này được sử dụng làm TSBĐ. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng quy định về điều kiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm có hiệu lực  (phải được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm). Mặc dù không có quy định riêng về xử lý TSBĐ nhưng pháp luật về đất đai quy định đặc thù liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, điều này dẫn tới việc xử lý TSBĐ đối với loại tài sản này cũng cần tham chiếu tới pháp luật về đất đai do mục đích cuối cùng của việc xử lý TSBĐ là giao dịch chuyển nhượng tài sản.

 Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cùng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành cũng có quy định điều kiện riêng đối với việc nhận TSBĐ là nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng tài sản. 

 Đối với các giao dịch bảo đảm có đối tượng là bất động sản kể trên, ngoài các văn bản điều chỉnh chính tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì còn được điều chỉnh ở một số văn bản liên quan khác như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Thuế, Luật Bảo vệ môi trường... 

 Đối với TSBĐ là chứng khoán, Luật Chứng khoán quy định riêng về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán, việc chuyển nhượng chứng khoán. Việc xử lý TSBĐ liên quan đến doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật về phá sản để giải quyết.

 Lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực mà các giao dịch bảo đảm được áp dụng nhiều nhất. Theo đó, một số quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm được áp dụng riêng trong hoạt động ngân hàng. Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42). Đây được coi là văn bản cao nhất quy định một cơ chế đặc thù riêng cho hoạt động xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu của TCTD. Nghị quyết được ban hành là sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng trong việc xử lý và giảm tỷ lệ nợ xấu tại các TCTD. Các quy định tại Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở đánh giá những tồn tại, khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD do vướng mắc quy định tại các luật hiện hành, qua đó, đề xuất một cơ chế riêng được áp dụng cho hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD. 

Những tác động tích cực của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tới quá trình xử lý TSBĐ nói riêng và xử lý nợ xấu nói chung của TCTD 

 Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác xử lý nợ, đặc biệt là nợ xấu tại TCTD. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh sau:

 Thứ nhất, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm thời gian qua đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận bảo đảm và xử lý TSBĐ của TCTD, qua đó, giảm thiểu được rủi ro pháp lý cho TCTD trong quá trình nhận TSBĐ, hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt về pháp lý cho quá trình xử lý TSBĐ, ví dụ như, việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Nhà ở, trong đó, cho phép các bên được giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai; việc ban hành Thông tư liên tịch số 16 quy định về xử lý TSBĐ, trong đó xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình định giá, chuyển nhượng quyền sở hữu TSBĐ...

 Thứ hai, nhiều quy định pháp luật về xử lý TSBĐ được luật hóa, đảm bảo cơ sở pháp lý cho TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong quá trình xây dựng BLDS năm 2015, một số quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã được rà soát để đưa vào Bộ luật, ví dụ: Quy định về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất; các quy định về xử lý TSBĐ…

 Quá trình luật hóa các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm và xử lý nợ xấu của các TCTD cũng được thể hiện trong quá trình xây dựng Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Luật Đấu giá tài sản đã dành một Mục riêng quy định về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu. Một số quy định tại Mục này là luật hóa từ quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), như quy định quyền của VAMC được bán đấu giá TSBĐ thông qua tổ chức bán đấu giá hoặc tự bán đấu giá TSBĐ. Việc ghi nhận nội dung này tại Luật Đấu giá tài sản đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để VAMC triển khai hoạt động xử lý TSBĐ thông qua đấu giá tài sản.

 Thứ ba, văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm áp dụng riêng cho hoạt động xử lý nợ xấu của TCTD được ban hành, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết 42 đã tạo cơ sở pháp lý cho TCTD có cơ chế riêng thuận lợi hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý TSBĐ và xử lý nợ xấu. Việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 42 đã khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý TSBĐ nói riêng và xử lý nợ xấu nói chung, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu, hỗ trợ các TCTD, VAMC trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu, như: Nghị quyết 42 đã có quy định về quyền thu giữ TSBĐ của TCTD/VAMC, qua đó, xử lý được khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý về quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD sau khi BLDS năm 2015 được ban hành. Nghị quyết cũng cho phép áp dụng trình tự, thủ tục tố tụng rút gọn khi giải quyết các tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án liên quan đến xử lý TSBĐ... Bên cạnh ý nghĩa về pháp lý, Nghị quyết 42 còn có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao ý thức tuân thủ từ phía khách hàng vay vốn. 

 Một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất 

 Bên cạnh những mặt đạt được, hệ thống pháp luật về biện pháp bảo đảm còn tồn tại những hạn chế, cản trở đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Cụ thể:

Một là, một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, khó khăn cho TCTD khi thực hiện xử lý TSBĐ, thu hồi nợ. Ví dụ:

Về thu giữ TSBĐ: Quyền thu giữ tài sản của bên nhận bảo đảm đã được ghi nhận tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, tại BLDS năm 2015, quyền này chưa được ghi nhận. Trên thực tế, bên nhận bảo đảm khi tiến hành thu giữ phải đảm bảo các điều kiện chặt chẽ và không được áp dụng các biện pháp trái pháp luật. Quyền thu giữ như một tín hiệu bảo vệ quyền của chủ nợ và răn đe đối với con nợ không vi phạm, không bội ước, hợp tác xử lý tài sản theo thỏa thuận đã ký kết. Bên cạnh đó, cần phải nhận thức đúng rằng, bản chất quan hệ và mục đích của biện pháp bảo đảm là dành cho bên nhận bảo đảm quyền định đoạt có điều kiện. Quyền đó được pháp luật thừa nhận mà không cần phải có sự thỏa thuận cụ thể của các bên hay sự đồng ý của bên nhận bảo đảm. Điều đó có nghĩa rằng, khi bên bảo đảm sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm, thì mặc nhiên suy đoán rằng, bên bảo đảm đã trao cho bên nhận bảo đảm quyền định đoạt có điều kiện đối với tài sản của mình. Chỉ cần phát sinh sự kiện, bên có nghĩa vụ được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ này đối với bên nhận bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý TSBĐ bằng việc thu hồi TSBĐ và định đoạt TSBĐ theo phương thức mà bên nhận bảo đảm cho là phù hợp, miễn sao, việc xử lý TSBĐ được thực hiện một cách thiện chí, trung thực theo nguyên tắc công bằng và hợp lý(1).

 Trước những khó khăn, vướng mắc do quy định mới tại BLDS năm 2015, để có cơ chế nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của TCTD, Điều 7 Nghị quyết 42 đã quy định quyền thu giữ TSBĐ của TCTD. Tuy nhiên, quy định trên chỉ mang tính thí điểm và bị giới hạn phạm vi, thời gian áp dụng.

 Về thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba: Quy định về thế chấp, cầm cố tài sản tại BLDS năm 2015 chưa rõ ràng, không có quy định cụ thể về việc thế chấp, cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên thứ ba. Điều này dẫn đến việc có những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau trên thực tế. Hiện nay, trong quá trình giải quyết tranh chấp, vẫn có một số tòa án có quan điểm việc dùng TSBĐ cho bên thứ ba vay vốn là biện pháp bảo lãnh và hợp đồng bảo đảm phải là hợp đồng ba bên (bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh). Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho TCTD trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, đối mặt với rủi ro hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản của bên thứ ba bị tuyên vô hiệu.

 Hai là, một số quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Ví dụ: Hiện nay, quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm có sự khác nhau giữa một số loại tài sản. Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì việc thế chấp tàu bay có hiệu lực từ thời điểm được cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam; Luật Đất đai quy định, việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính; Luật Nhà ở quy định, việc thế chấp nhà ở có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng… Khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Như vậy, có sự chưa thống nhất trong quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm theo quy định tại các luật, gây khó khăn và rủi ro cho TCTD khi nhận tài sản thế chấp.

 Ba là, quy định đặc thù để thúc đẩy xử lý nợ xấu của TCTD còn hạn chế và có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. 

 Nghị quyết 42 được ban hành đã giải quyết được khá nhiều trở ngại và góp phần đáng kể vào việc giảm số lượng nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong các quy định ảnh hưởng đến kết quả triển khai Nghị quyết, cụ thể:

- Vướng mắc về quy định thu giữ TSBĐ: Theo quy định tại Nghị quyết 42, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ 05 điều kiện, trong đó, có điều kiện yêu cầu hợp đồng tín dụng phải có điều khoản về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối với những hợp đồng đã ký trước ngày Nghị quyết có hiệu lực mà không có thỏa thuận nói trên, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán nợ không thể tiến hành thu giữ TSBĐ, trừ khi các bên đồng ý sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký. Trên thực tế, việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng là khó khả thi, đặc biệt tại giai đoạn xử lý TSBĐ, do khách hàng không hợp tác với TCTD trong việc ký văn bản bổ sung nội dung này vào hợp đồng.

 - Vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án: Mục tiêu và lợi thế chính của thủ tục rút gọn trong quá trình giải quyết nợ xấu là giảm thời gian và chi phí kiện tụng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu của TCTD. Nguyên nhân của thực trạng trên là, theo quy định tại khoản 3 Điều 317, khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất, làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn, thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Do đó, nếu không có hướng dẫn cụ thể với những quy định nêu trên, biện pháp áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn có thể không phát huy được hiệu quả xử lý trong thực tế.

 Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị quyết 42, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng để xử lý các vấn đề “tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ” mà không giải quyết tổng thể khoản nợ (không áp dụng đối với việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng). Khi khách hàng không trả nợ thì TCTD phải khởi kiện về phần khoản nợ theo thủ tục thông thường, không được áp dụng theo Nghị quyết 42.

 - Một số quy định khác tại Nghị quyết 42 gặp vướng mắc trong quá trình thi hành do bên cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật chuyên ngành và không áp dụng Nghị quyết 42 khi thực hiện các thủ tục đối với TSBĐ (ví dụ, việc áp dụng quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản).

 - Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, do đó, thời gian áp dụng bị giới hạn (chỉ áp dụng trong 5 năm), phạm vi áp dụng bao gồm: Các khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017; khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Như vậy, những khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017 (sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành) sẽ không được áp dụng các cơ chế quy định tại Nghị quyết. Trong khi đó, một số điều kiện Nghị quyết đặt ra là điều kiện mới phát sinh mà các bên trong quá trình ký kết, thỏa thuận các hợp đồng, giao dịch trước đó không lường trước (ví dụ, quy định điều kiện thu giữ TSBĐ là trong hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền thu giữ TSBĐ), dẫn đến không áp dụng được cơ chế tại Nghị quyết. Bên cạnh đó, nợ xấu không chỉ phát sinh tại một thời điểm và trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, cần phải có một chính sách mang tính ổn định, lâu dài, thống nhất, một chính sách ngắn hạn sẽ không xử lý được bài toán tỷ lệ nợ xấu. 

 Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam tương đối đa dạng, phức tạp. Trong thời gian qua, pháp luật về giao dịch bảo đảm đã được hoàn thiện liên tục, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vướng mắc gây khó khăn, làm chậm tiến độ xử lý nợ xấu của TCTD. Do đó, cần thiết phải có sự rà soát tổng thể các quy định về giao dịch bảo đảm tại các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả những quy định tại văn bản chung và quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung đảm bảo sự thống nhất và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của TCTD. Hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, trên cơ sở xác định mục tiêu chung là tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho TCTD xử lý nhanh, xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu, tránh để tồn đọng, kéo dài. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu để xây dựng một cơ chế riêng cho hoạt động xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu của TCTD, trao một số biện pháp, công cụ để TCTD có thể xử lý nhanh TSBĐ. Đây là biện pháp mang tính lâu dài, song hành cùng các biện pháp khác để hỗ trợ TCTD duy trì tỷ lệ nợ xấu trong mức an toàn, qua đó, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, đảm bảo trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Theo đó, cần tổng kết Nghị quyết 42 để đề xuất Quốc hội cho phép ban hành Luật Xử lý nợ xấu của TCTD áp dụng chung cho các khoản nợ xấu của TCTD (bao gồm cả các khoản đã và sẽ phát sinh), trong đó, kế thừa, đồng thời có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp các quy định tại Nghị quyết 42. 

(1) PGS., TS. Lê Thị Thu Thủy - Bảo đảm sự thuận lợi, công bằng và hợp lý trong việc xử lý TSBĐ khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, tập 32, số 2 (2016), tr. 56.

Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN

Nguyễn Thị Lương Trà - Vụ Pháp chế, NHNN

Theo Tạp chí Ngân hàng

Các tin liên quan