02.06.2022 08:46

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Ngày 1/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong ngành Ngân hàng năm 2022. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thủ trưởng, lãnh đạo cấp phòng phụ trách kế toán, cán bộ theo dõi về công tác THTK, CLP của các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; đại diện Lãnh đạo và Kế toán trưởng 4 NHTM Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Nhà máy In tiền Quốc gia…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chủ trì Hội nghị
Tích lũy nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Một trong các giải pháp tạo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng năm 2022 là triển khai nghiêm túc Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 2262/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-NHNN ngày 28/1/2022; trong đó yêu cầu các đơn vị triệt để tiết kiệm các khoản chi; tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán Nguyễn Hồng Vân cho biết, năm 2021 NHNN và các đơn vị đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính, tài sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý lao động để làm cơ sở triển khai THTK, CLP.

Bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng năm 2021 cùng các văn bản chỉ đạo về việc THTK, CLP…, NHNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị NHNN và đơn vị sự nghiệp chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ khi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; hạn chế chi tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác khi không cần thiết để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị trong hệ thống NHNN đã thực hiện nghiêm quy định, xây dựng kế hoạch tiết kiệm cụ thể, sát với kế hoạch giao khoán của NHNN. Trong công tác lập kế hoạch, NHNN đã rà soát chặt đề xuất của đơn vị và hiện trạng tài sản của NHNN, chỉ đưa vào kế hoạch đối với các tài sản cần thiết, cấp bách phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn trụ sở, kho tiền… NHNN cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị NHNN mua sắm tài sản theo quy định của Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt hoặc trình phê duyệt các khâu trong mua sắm tài sản đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm.

Việc quản lý đầu tư xây dựng công trình được NHNN tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện dự án từ khâu lập kế hoạch đến quyết toán công trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của các đơn vị NHNN.

Cũng trong năm 2021, NHNN hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện lại cơ chế tự chủ tài chính theo quy định mới tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời rà soát việc sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp NHNN. Kết quả cho thấy các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc NHNN hoạt động đúng định hướng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; các đơn vị dần nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, tỷ lệ tự chủ về tài chính ngày càng tăng…
Các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng đã xây dựng chương trình hành động của đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, yêu cầu và nội dung THTK, CLP năm 2021 cho cán bộ, nhân viên và người lao động, tổ chức thực hiện các giải pháp tiết kiệm đề ra và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2021, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chi phí hoạt động, chi phí quản lý; triệt để tiết kiệm chi phí thường xuyên…

Với việc áp dụng triệt để các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động đã tạo thêm nguồn lực để thực hiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về nhiệm vụ trọng tâm Chương trình THTK, CLP năm 2022, Hội nghị xác định, các đơn vị phải nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng 4 trọng tâm: (i) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2022, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN; (ii) Thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP; (iii) Chấp hành nghiêm các quy định tiết kiệm tại Chương trình hành động và quy định, tiêu chí chấm điểm tiết kiệm trong sử dụng kinh phí theo quy định tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với người đại diện tại các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Hội nghị đã tiến hành thảo luận, giải đáp các vướng mắc, khó khăn của các đơn vị, Chi nhánh NHNN trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình THTK, CLP.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tiết kiệm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; cách thức quản lý làm sao để đưa ra những quyết định, xem xét chi tiêu nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Phó Thống đốc đánh giá, công tác THTK, CLP của ngành Ngân hàng trong thời gian qua nói chung và trong năm 2021 nói riêng đã được triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, toàn diện theo các chủ trương và quy định của Đảng và Nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định.
Toàn cảnh Hội nghị
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động và các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và NHNN về THTK, CLP năm 2022, Phó Thống đốc lưu ý một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, các đơn vị cần quán triệt đầy đủ nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh THTK, CLP trong năm 2022 nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ công tác ứng phó dịch Covid-19. Thủ trưởng các đơn vị tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo đơn vị triển khai các giải pháp THTK, CLP thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tiếp tục giáo dục, nâng cao ý thức tiết kiệm của mỗi cán bộ, người lao động.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật để giảm chi phí một cách trực tiếp, nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý trên tinh thần tiết kiệm nhưng không được bớt xén các khoản chi phí cho hoạt động nghiệp vụ.

Việc tăng cường công tác kiểm toán nội bộ; tăng cường kiểm tra của các vụ, cục chức năng có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng được Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề cập.

Phó Thống đốc nhấn mạnh việc cần rà soát lại, hoàn thiện các quy định, nguyên tắc trong chi tiêu nội bộ của từng đơn vị, từng hệ thống để phù hợp với những quy định mới, điều kiện mới. “Tập trung công tác xây dựng cơ bản, công tác sửa chữa lớn các dự án, các công trình. Những công trình còn chậm thì càng nhanh bao nhiêu càng hiệu quả, càng tiết kiệm bấy nhiêu”, Phó Thống đốc lưu ý.

Phó Thống đốc đề nghị các NHTM rà soát lại các danh mục trước đây NHNN đã phê duyệt chủ trương đầu tư, để tiếp tục đôn đốc, khẩn trương thực hiện, tránh lãng phí. Việc mua sắm, thuê mua cũng đòi hỏi lãnh đạo các cấp có ý thức quản lý, giám sát chặt chẽ vấn đề này.

Trong đó, việc trang cấp, tiêu chuẩn định mức theo quy định về công cụ lao động, phương tiện làm việc, diện tích làm việc… phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Việc đầu tư mua sắm các dự án công nghệ thông tin cần đảm bảo thực sự cần thiết, hiệu quả, không trùng lặp và thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm đảm bảo khách quan, minh bạch…
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan