10.01.2022 10:09

Thử thách còn ở phía trước

Thử thách lớn còn ở phía trước, song có thể nói ngành Ngân hàng nói chung và mỗi TCTD nói riêng đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào trước hết ngành Ngân hàng phải luôn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đang được dư luận đặc biệt quan tâm, khi mà tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 với tổng giá trị của những chính sách này lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.

Ngày 7/1, trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đã thảo luận nội dung: “Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong hai năm”. Phát biểu tại nghị trường, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lý giải: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, NHNN đã ba lần giảm lãi suất điều hành, tạo cơ sở để hệ thống TCTD giảm cả lãi, cả phí gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các TCTD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ảnh minh họa

Trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cân nhắc để đưa ra giải pháp, hệ thống các TCTD phấn đấu giảm 0,5 đến 1% lãi suất cho vay trong hai năm. “Tại sao lại là động viên, khuyến khích? Vì theo quy định của pháp luật, NHNN không thể bắt buộc các TCTD phải giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Một số TCTD có tổ chức cổ đông là người nước ngoài. Do đó, trong quá trình điều hành, chúng tôi điều hành linh hoạt các công cụ đồng thời động viên và kêu gọi các TCTD đồng thuận cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh. Mặt khác, Thống đốc cho rằng, lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng, các NHTW thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất. Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ thực sự khó khăn. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ bản chất là ngắn hạn theo sát diễn biến của kinh tế nên cần điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…

Cũng trong tuần qua, hai NHTM nhà nước là VietinBank và BIDV đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022. Những sự kiện này đã trở thành thông lệ của ngành Ngân hàng: “ra quân” ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.

Nhìn lại năm 2021, các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN. BIDV chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: chủ động giảm thu nhập trong năm hơn 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ, đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi… Thực thi nhiệm vụ này, VietinBank cũng cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các NHTM nhà nước cũng hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021. Tổng tài sản của BIDV đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020; Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. BIDV đã thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN khi tập trung đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ SME và FDI tương ứng tăng 15% và 21%.

VietinBank đạt mức tăng trưởng tín dụng đạt 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020.

Đặc biệt, trong năm 2021 cả BIDV và VietinBank đều kiểm soát tốt nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng rất lớn. Tại BIDV tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020. BIDV thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ với tỷ lệ trang trải (quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Với VietinBank, tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 171%.

Bước sang năm 2022, lãnh đạo VietinBank cho biết công tác xây dựng định hướng kinh doanh đã được VietinBank hoạch định sớm với mục tiêu rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu chiến lược trung dài hạn... Trong khi đó, BIDV quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Điều hành cân đối vốn linh hoạt, hiệu quả, an toàn; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; Gia tăng hiệu quả bền vững trên cơ sở tối đa hóa nguồn thu, quản trị chi phí hiệu quả, cải thiện hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính; Cân đối nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, NHNN; Thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng với vai trò là định chế tài chính lớn trong hệ thống...

Thử thách lớn còn ở phía trước, song có thể nói ngành Ngân hàng nói chung và mỗi TCTD nói riêng đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào trước hết ngành Ngân hàng phải luôn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan