Xây dựng khuôn khổ pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT) luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm trong quá trình thực hiện công tác PCRT ở Việt Nam. Trong năm 2023, nhiều văn bản hướng dẫn Luật PCRT năm 2022 được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức báo cáo triển khai hiệu quả công tác PCRT.
1. Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT năm 2022
Luật PCRT năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 (Luật số 14/2022/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, thay thế cho Luật PCRT năm 2012. Trên cơ sở các nội dung được Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật PCRT 2022; kế thừa có chọn lọc các quy định tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT 2012; cùng với việc nghiên cứu các quy định để đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và thực tiễn công tác PCRT tại Việt Nam, ngày 28/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT năm 2022 (Nghị định số 19) Nghị định số 19 với rất nhiều nội dung quan trọng, là tiền đề, cơ sở cho các bộ, ngành và đối tượng báo cáo triển khai có hiệu quả Luật PCRT năm 2022 trên thực tế.
Quy định về tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
Quy định về “Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền” lần đầu tiên được đưa vào Luật PCRT năm 2022 (Điều 7). Quy định yêu cầu định kỳ 05 năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền. Theo quy định này, các bộ, ngành có trách nhiệm: (i) Phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định; (ii) Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình gửi NHNN. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, NHNN tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.
Để triển khai thực hiện nội dung về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, Nghị định số 19 đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết nội dung về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được xác định bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp PCRT và tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực. Nghị định số 19 hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng tiêu chí nguy cơ rửa tiền, tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp PCRT, tiêu chí hậu quả của rửa tiền. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, chi tiết phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là phương pháp chấm điểm và quy định chi tiết từng mức xếp hạng, thang điểm đánh giá.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện sau đánh giá giai đoạn 2023 - 2028.
Quy định về biện pháp PCRT của đối tượng báo cáo
Các biện pháp PCRT được quy định từ Điều 9 đến Điều 46 Luật PCRT năm 2022. Các biện pháp này là những quy định nền tảng trong công tác PCRT và chủ yếu do các đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có trách nhiệm thực hiện. Theo đó, yêu cầu đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng; có trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ, báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về PCRT; có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tạm thời và xử lý vi phạm trong PCRT...
Nghị định số 19 đã hướng dẫn chi tiết nội dung nhận biết khách hàng của đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan. Theo đó, hướng dẫn cụ thể trường hợp nhận biết khách hàng khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính; khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định, nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó. Đồng thời, hướng dẫn các trường hợp, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan là tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng; các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý… phải nhận biết khách hàng.
Nghị định số 19 cũng hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi của khách hàng là cá nhân và khách hàng là tổ chức; hướng dẫn giao dịch có giá trị lớn bất thường, giao dịch phức tạp; quy định cụ thể về cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu báo cáo trong PCRT; hướng dẫn trường hợp, căn cứ để đối tượng báo cáo thực hiện trì hoãn giao dịch, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện trì hoãn giao dịch.
2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
Luật PCRT năm 2022 (Điều 25) quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đây không phải là quy định mới mà đã được quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg. Theo đó, từ ngày 01/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên (so với quy định cũ giá trị này nâng lên từ 300 triệu đồng lên 400 triệu đồng). Đây là cơ sở để đối tượng báo cáo thực hiện nghĩa vụ báo cáo, là nguồn dữ liệu quan trọng để cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT phục vụ cho công tác phân tích, xử lí thông tin trong công tác PCRT.
3. Thống đốc NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật PCRT năm 2022
Trên cơ sở các nội dung được Quốc hội giao, NHNN hướng dẫn một số điều của Luật PCRT năm 2022, kế thừa có chọn lọc các quy định tại các thông tư hướng dẫn Luật PCRT năm 2012, trên cơ sở rà soát đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của FATF và thực tiễn công tác PCRT tại Việt Nam, ngày 28/7/2023, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật PCRT năm 2022 (Thông tư số 09) với nhiều nội dung hướng dẫn chi tiết, là cơ sở quan trọng để đối tượng báo cáo triển khai thực hiện công tác PCRT. Dù là Thông tư do NHNN ban hành nhưng được áp dụng cho cả các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi điện tử có thưởng, casino, xổ số, kinh doanh bất động sản, lĩnh vực công chứng, hành nghề luật sư…
Quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền
Điều 15, Điều 16 Luật PCRT năm 2022 quy định về trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong đánh giá rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền. Theo các quy định này, đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền hằng năm và phải báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền cho NHNN và bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo.
Trên cơ sở quy định trên, Thông tư số 09 quy định tiêu chí đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo bao gồm: Tiêu chí nguy cơ rửa tiền, tiêu chí mức độ phù hợp của chính sách, quy định nội bộ về PCRT và quy định chi tiết, cụ thể các yếu tố cấu thành của hai tiêu chí này; quy định phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo là phương pháp chấm điểm và hướng dẫn cách tính điểm đối với từng tiêu chí cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung tối thiểu của quy trình quản lý rủi ro rửa tiền tại đối tượng báo cáo và các biện pháp nhận biết khách hàng áp dụng tương ứng với mức độ rủi ro được xác định.
Quy định nội dung xây dựng quy định nội bộ về PCRT
Điều 24 Luật PCRT năm 2022 quy định đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về PCRT. Trên cơ sở đó, Thông tư số 09 hướng dẫn cụ thể nội dung quy định nội bộ về PCRT gồm: Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại tổ chức báo cáo; quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin; quy định về áp dụng biện pháp tạm thời; quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho NHNN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định về tuyển dụng nhân sự; nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCRT; nội dung kiểm toán nội bộ về PCRT; trách nhiệm của cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác PCRT…
Quy định chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
Điều 25 Luật PCRT năm 2022 quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Thông tư số 09 hướng dẫn đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc NHNN và quy định cụ thể biểu mẫu báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
Quy định chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ
Điều 26 Luật PCRT năm 2022 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho NHNN. Thông tư số 09 hướng dẫn đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc NHNN và quy định cụ thể biểu mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ cho từng nhóm đối tượng báo cáo.
Quy định giao dịch chuyển tiền điện tử, chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử
Điều 34 Luật PCRT năm 2022 quy định về giao dịch chuyển tiền điện tử. Thông tư số 09 hướng dẫn trách nhiệm của các bên tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử, nguyên tắc yêu cầu về thông tin trong giao dịch; hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc NHNN; hướng dẫn mức giá trị của giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế phải báo cáo; hướng dẫn nội dung báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử.
Như vậy, có thể khẳng định, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật PCRT năm 2022 nêu trên đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác PCRT, hướng đến đáp ứng toàn diện các chuẩn mực quốc tế, là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức báo cáo triển khai trên thực tế, góp phần thúc đẩy công tác PCRT của Việt Nam đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả.
Theo Tạp chí Ngân hàng.