Với việc triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng nhân dân, đặc biệt là Chỉ thị số 57-CT/TW, Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ-TW, đến nay, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình hoạt động cơ bản đảm bảo an toàn, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên bối cảnh mới đòi hỏi để có sự phát triển bền vững và hiêu quả hệ thống QTDND trên địa bàn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy chính quyền địa phương.
Theo thống kê từ NHNN, đến tháng 11/2023, hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình có 85 QTDND, trong đó 44 QTDND được mở rộng địa bàn hoạt động sang 64 xã liền kề, hỗ trợ tín dụng, dịch vụ cho 158 nghìn thành viên, tăng 3 nghìn thành viên so với năm 2022; tổng nguồn vốn hoạt động 14.128 tỷ đồng, tăng 12%; vốn điều lệ đạt 513 tỷ đồng, tăng 10%; tổng huy động vốn 13.216 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ cho vay 10.868 tỷ đồng, tăng 6%; nợ xấu 78 tỷ đồng, chiếm 0,77%/tổng dư nợ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số QTDND hoạt động yếu kém, biểu hiện xa rời mục đích tôn chỉ, mục đích hoạt động. Một số cán bộ, nhân viên QTDND lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín và an toàn hoạt động của hệ thống QTDND, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung liên quan đến hoạt động của QTDND; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng đối với hoạt động của QTDND có lúc chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc đảm bảo hoạt động của QTDND còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện sai phạm để xem xét xử lý theo quy định.
Trước tình hình này Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình vừa ban hành Chỉ thị 25-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và vững chắc. Trong đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các sở ban ngành, các cơ quan đơn vị, Mặt trận tổ quốc và các và các tổ chức chính trị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống QTDND đôi với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các cấp ủy đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn phải xác định rõ trách nhiệm trong việc giám sát, giúp đỡ QTDND triển khai thực hiện nhiệm vụ; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; Chỉ thị số 06/CT-TTg; Chương trình, kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025". Thường xuyên quan tâm, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các QTDND khắc phục khó khăn, củng cố, phát triển, đẩy mạnh hoạt động đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, các nguyên tắc theo quy định của pháp luật.
Ba là, Ban cán sự đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hệ thống QTDND trên địa bàn; chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, nhất là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh nhằm tạo thuận lợi giúp các QTDND tháo gỡ khó khăn và đẩy độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn, cho các QTDND; tạo điều kiện thuận lợi cho QTDND trong đăng ký, điều chỉnh đăng ký kinh doanh, phát triển các dịch vụ ngân hàng...
Bốn là Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống dân vận các cấp tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, đóng góp của hệ thống QTDND đôi với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh
Năm là Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, chính quyền các địa phương, các cơ quan tư pháp phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động của QTDND trên địa bàn; đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng của QTDND
Sáu là, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án dân sự liên quan đến khách hàng vay vốn của QTDND. Cục Thi hành án dân sự tỉnh nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên trong thực thi công vụ, đẩy nhanh tiến độ thi hành các vụ án dân sự tạo điều kiện cho các QTDND thu hồi nợ, giảm nợ xấu để đảm bảo nguồn vốn cho vay; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, cố tình không thi hành án.
Ngay sau Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thái Bình ban hành văn bản số 2985/UBND-KT ngày 30/8/2023 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị 25.
NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25-CT-TW. Trong đó, về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND trên địa bàn; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về hoạt động của QTDND, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động, công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) Chi nhánh Thái Bình tăng cường liên kết hệ thống QTDND, điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản. Xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động, các cán bộ, nhân viên QTDND vi phạm pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn hệ thống QTDND; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thanh toán chuyển tiền và đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa NHHTX và các QTDND.
Với các QTDND, NHNN tăng cường, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác huy động, cho vay, an toàn kho quỹ và quản lý ấn chỉ; tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu để thu hồi nợ phục vụ cho thành viên, góp phần lành mạnh tình hình tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phương án phòng, chống rủi ro trong hoạt động tiền tệ và kho quỹ, trích lập dự phòng rủi ro.
NHNN Chi nhánh cũng sẽ thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát của các QTDND đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ lãnh đạo, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, nhân viên; tăng cường quản lý và giáo dục đạo đức cán bộ, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động. Phát huy vai trò kiểm soát, kiểm toán nội bộ đảm bảo QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động.
Trong vai trò quản lý nhà nước NHNN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tạo thuận lợi giúp các QTDND tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh hoạt động như: Quy hoạch, bố trí quỹ đất cho các QTDND thuê xây dựng trụ sở, các Phòng giao dịch; đăng ký, điều chỉnh đăng ký kinh doanh, phát triển các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng của QTDND, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các QTDND trên địa bàn. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các QTDND yếu kém, cán bộ QTDND vi phạm pháp luật.
NHNN Chi nhánh Thái Bình yêu cầu các QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động; Kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định nhằm hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật trong hoạt động; Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo để nâng cao kiến thức về nghiệp vụ, năng lực quản trị, điều hành. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai đồng bộ kịp thời các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động. Định kỳ hàng tháng (hoặc đột xuất khi có phát sinh) báo cáo tình hình hoạt động của QTDND với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi QTDND hoạt động.
Theo Thời báo Ngân hàng