Ngày 26/4/2021, tại Thái Bình, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Thái Bình đã phối hợp với Qũy bảo đảm an toàn hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (Qũy bảo toàn) tổ chức buổi “Tọa đàm về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tỉnh Thái Bình” qua đó, nhằm đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn, phát huy sức mạnh nội lực của các QTDND, đối phó với thách thức, vượt qua khó khăn cũng như sự liên kết giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và QTDND…
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Trần Văn Toản - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tỉnh Thái Bình; bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Bình; Chánh Thanh tra Giám sát NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Bình cùng các ông/bà là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc của 85 QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Về phía Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam; bà Đặng Mai Phương - Thành viên Chuyên trách HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Tổng giám đốc và một số lãnh đạo các Ban, Phòng có liên quan tại Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Thái Bình và lãnh đạo các Phòng liên quan tại Chi nhánh cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, ông Cao Văn Ngoạn - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Thái Bình cho biết: “năm 2020, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi tác động của dịch bệnh Covid -19. Nhưng bằng sự quyết tâm của cả hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã nói riêng và toàn ngành ngành Ngân hàng trên địa bàn nói nói chung, hoạt động của ngành Ngân hàng Thái Bình, đặc biệt là hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã vẫn đạt được kết quả tốt. Thực hiện đúng mục tiêu tôn chỉ hoạt động, các chỉ tiêu cơ bản đều có sự tăng trưởng, nguồn vốn huy động đạt trên 10.604 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 8.279 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,52% tổng dư nợ. Có 53 QTDND là thành viên của hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và 9 QTDND chuẩn bị được kết nạp là thành viên”.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Thái Bình đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ đối với các QTDND, qua đó đã hỗ trợ các các QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững. Các QTDND hoạt động chấp hành đúng các quy định của pháp luật, làm tốt công tác cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng cho các thành viên và người dân và được nhân dân đánh giá cao, Cấp ủy Đảng và Chính quyền ghi nhận, uy tín và hình ảnh của QTDND trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Thành công đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp, các ngành, trong đó có vai trò của NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Bình, sự phối hợp hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng sự sự nỗ lực của cán bộ nhân viên, sự liên kết chặt chẽ trong hệ thống.
Để hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn hiệu quả, vượt qua khó khăn thách thức, thu được nhiều thành công cần phải có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về nội lực, phát huy khả năng, thế mạnh của từng đơn vị, cần sự chung sức đồng lòng, tạo ra sự đồng thuận và tiếng nói chung, cùng hướng về phía trước, phát triển bền vững hệ thống QTDND. Tại buổi Tọa đàm, đã có nhiều ý kiến phát biểu của các Chủ tịch HĐQT và Giám đốc QTDND được nêu ra. Các ý kiến tập trung đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống QTDND, sự phối hợp giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và QTDND, vai trò của Hiệp hội QTDND Việt Nam và những khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động và đề xuất các giải pháp cũng như các kiến nghị tới các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà QTDND đang gặp phải.
Đáng chú ý, một số vướng mắc về cơ chế hoạt động QTDND như: Trước đây Chính phủ có Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của QTDND, nhiều nội dung được quy định trong Nghị định này có quy định trách nhiệm của các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương đối với hoạt động của QTDND. Nhưng khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi thì chưa có Nghị định khác thay thế, vai trò của các cơ quan trong đó có chính quyền địa phương không được quy định nên địa phương rất khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý QTDND. Một số địa phương thì ít quan tâm đến hoạt động, nhưng một vài địa phương lại can thiệp quá sâu vào hoạt động của QTDND, gây khó khăn cho hoạt động và tạo sự thiếu đồng thuận lẫn nhau.
Bên cạnh đó, quy định về việc kết nạp thành viên QTDND chưa phù hợp với thực tiễn, khiến việc kết nạp thành viên khó khăn; quy định tỷ lệ vốn huy động so với vốn chủ sở hữu gấp 20 lần là thấp… do đó, cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu xem xét sửa đổi những vướng mắc về cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động QTDND phát huy được thế mạnh, phục vụ tốt hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đánh giá cao QTDND - mô hình hoạt động hiệu quả nhất trong mô hình hợp tác xã hiện nay; Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thịnh cũng lưu ý những khó khăn, thách thức mà QTDND phải đối mặt trong thời gian tới… “Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình sẽ luôn song hành và đi cùng với hoạt động của các QTDND, tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới hệ thống QTDND sẽ còn phát triển tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đáp ứng được nhu cầu vốn cho các hợp tác xã, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Bình đánh giá cao sự nỗ lực của các QTDND trên địa bàn trong năm 2020, qua góp phần khá quan trọng và việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn. Các QTDND chấp hành tốt các quy định của pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Thai Bình đã làm tốt công tác triển khai cơ chế chính sách, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số QTDND chưa thực hiện thật tốt công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ nên vẫn còn xuất hiện sai phạm. Cơ chế hoạt động hiện nay đã cơ bản đồng bộ; song có thể còn những khó khăn, vướng mắc, các QTDND cần bình tĩnh nghiên cứu và kiến nghị theo đúng trình tự; khi chưa được cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung thì các QTDND phải tuyệt đối chấp hành.
Phát biểu tổng kết tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam đã đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm. Với trách nhiệm của thành viên, các QTDND đã thực hiện tốt trách nhiệm đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội QTDND Việt Nam; tính liên kết trong hệ thống ngày càng được thắt chặt hơn. Trong những năm qua cả Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND đều có nhiều cố gắng, liên kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ và thu được kết quả đáng khích lệ…
Toàn cảnh buổi tọa đàm
“Các QTDND cần nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức liên kết hệ thống, tạo thuận lợi cho sự phát triển và bảo đảm an toàn. Những kiến nghị xác đáng của các QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ được tổng hợp và kiến nghị với cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất…”, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Chủ tịch HĐQT QTDND Thanh Nê, thị trấn Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: hệ thống QTDND đang dần hoạt động ổn định và phát triển, từ đó, gia tăng năng lực cung ứng vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, thực hiện chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đề ra. Mặc dù hiện nay vẫn còn một số ít QTDND đang gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do đạo đức cán bộ và khâu kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ bị buông lỏng hoặc bị vô hiệu. Nếu làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, ngăn chặn các vi phạm thì chắc chắn không thể xảy ra khó khăn.
Theo Website Ngân hàng HTX Việt Nam