Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi vừa là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vừa là năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên vươn mình dân tộc”, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 Nhiều khó khăn, song nỗ lực sẽ đạt được.
Nhìn lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5% - 7,0%. Trải qua 3/5 chặng đường của Kế hoạch, tăng trưởng GDP bình quân mới đạt 5,22% (với tăng trưởng GDP 3 năm 2021-2023 lần lượt đạt 2,58%; 8,02% và 5,05%). Thực tế đó cho thấy, với giả định tăng trưởng GDP năm 2024 và 2025 có đạt ở các mức 7% và 8% thì cả giai đoạn 2021-2025 cũng chỉ đạt tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,13%.
Năm 2024 gần hoàn tất và mức tăng trưởng khoảng 7% chắc chắn sẽ đạt được, song cũng khó vượt mạnh mức này (bởi tăng trưởng GDP quý IV/2024 chúng ta đang phấn đấu ở mức khoảng 7,5%, rất khó vượt 8%). Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, để đạt được cận dưới (6,5%) của mục tiêu GDP bình quân cho cả giai đoạn 5 năm thì tăng trưởng năm 2025 phải ở mức tối thiểu 9%. Đây là mức rất thách thức và khó có thể đạt được.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, 2 năm cuối kỳ 2024 và 2025 của Kế hoạch 5 năm là rất quan trọng, và những nỗ lực trong khoảng thời gian còn lại này là rất đáng ghi nhận, bởi kết quả tăng trưởng kinh tế tốt hơn của năm nay và năm 2025 không chỉ góp phần tiệm cận hơn với mục tiêu đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025, mà còn là nền tảng, tạo đà cho những bứt phá trong giai đoạn 2026-2030. Nói cách khác, nếu nhìn nhận Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là một chiến lược tổng thể để phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao thì các kế hoạch 5 năm trong giai đoạn này là lộ trình hiện thực hóa. Trong đó, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 là bước khởi động, xây dựng nền tảng và tạo đà, còn Kế hoạch 5 năm 2026-2030 là bứt phá, về đích.
Bên cạnh những hạn chế nội tại của nền kinh tế, một trong những yếu tố khách quan ảnh hưởng rất lớn khiến những năm đầu của giai đoạn khởi động, tạo đà vừa qua chưa đạt như kỳ vọng là bởi những tác động và hệ lụy kéo dài của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro, thách thức, những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ và ngày càng tốt lên sau mỗi tháng, mỗi quý trong năm 2024 này đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực và sự lạc quan. Xét dưới góc độ mục tiêu tăng trưởng, có thể những kết quả của riêng năm 2024 và 2025 chưa đủ để bù đắp cho tăng trưởng bình quân thấp của 3 năm trước đó, song là những bước đệm, đòn bẩy hết sức quan trọng để nền kinh tế bứt lên, thậm chí ghi nhận các mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, những cơ hội dù nhỏ nhất và ở bất cứ lĩnh vực nào đều cần được tận dụng; mỗi thách thức cần được nhận diện và hóa giải để có được những kết quả tăng trưởng tốt hơn.
Quyết liệt đạt tăng trưởng 8% năm 2025 Lấy phát triển, đột phá để ổn định
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, năm 2025 khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030. Về công việc từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Thủ tướng đã nhấn mạnh phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn: Tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; Tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025) của Chính phủ với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và theo chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tạo đà bứt phá”. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo và Nghị quyết 02 (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025) theo tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp, đẩy mạnh huy động, thu hút nguồn lực của xã hội, của khu vực tư nhân, hợp tác công tư để phục vụ ưu tiên cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng nhằm đạt các mục tiêu về tăng trưởng GDP, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.
Các chuyên gia đánh giá cao việc tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trên, dù trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm. Bởi khi những nỗ lực, quyết tâm được thể hiện qua những hành động và “đầu việc” cụ thể, được chuẩn bị chỉn chu và hoạch định rõ ràng, nền kinh tế sẽ vận hành tốt ngay từ đầu năm và những yếu tố gây chậm trễ sẽ được giảm thiểu.
“Khi có những nỗ lực về mọi phương diện, đặc biệt của cơ quan quản lý nhà nước để cải thiện môi trường kinh doanh, kích thích đầu tư, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, khai thông được những động lực tăng trưởng mới… tôi tin hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chắc chắn tại Nghị quyết 01 năm 2025 ban hành tới đây, Chính phủ sẽ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), trong đó tất cả các động lực phát triển, nhất là các địa phương đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; đồng thời tập trung cao độ để khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm.
Tinh thần lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển cũng sẽ được thể hiện rõ trong năm tới. Trong đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, gắn với phát triển mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... cũng như chủ động nắm bắt, khai thác hiệu quả các cơ hội, thời cơ từ bên ngoài và bên trong; xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá” và cần đi sớm, đi trước để mở đường cho đột phá phát triển...
Theo Thời báo Ngân hàng.