Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 20/6/2023, Quốc hội biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử, thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 94,33% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Hợp tác xã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV gồm gồm 12 Chương, với 115 Điều, gồm: những quy định chung; chính sách của nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các quy định về thành viên, thành lập, tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...
Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này là đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Luật đã bổ sung quy định tại Chương II về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Quy định cụ thể về chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách đất đai quy định chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê; Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa được hỗ trợ thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan…
Trước đó, trong đóng góp hoàn chỉnh dự án Luật, các đại biểu Quốc hội nêu và đề xuất nhiều nội dung liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã; hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ; tình trạng sở hữu chéo; quy định thời hạn chuyển tiếp…
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp hóa hợp tác xã; thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng quy định về thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã còn chung chung, chưa rõ về tư cách pháp nhân và mối quan hệ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và giao Chính phủ quy định điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Đối với hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Mặc dù vậy, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định cụ thể hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên (khoản 1 Điều 79) và hoạt động cho vay nội bộ (Điều 83).
Trên thực tế, có những hợp đồng tín dụng nội bộ đã ký trước ngày Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và cần có quy định chuyển tiếp để xử lý. Do đó về điều khoản thi hành và quy định chuyển tiếp (Điều 114 và Điều 115), Luật Hợp tác xã chỉnh lý tại khoản 1 và khoản 2 Điều 115 quy định từ 24 tháng xuống còn 18 tháng, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực thi hành của Luật, đồng thời cũng tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ thời gian để cơ cấu lại hoạt động, sửa đổi Điều lệ và các hoạt động liên quan.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chỉnh lý khoản 3 và khoản 4 Điều 115 theo hướng có hiệu lực thi hành sớm hơn hiệu lực thi hành của Luật, cụ thể bổ sung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 114 quy định về hiệu lực thi hành của khoản 3 và khoản 4 Điều 115 của Luật này kể từ ngày 1/9/2023 nhằm phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chỉnh lý khoản 3 Điều 115 quy định “hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 kể từ ngày 1/9/2023. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 1/9/2023, các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng”.
Chỉnh lý, sửa đổi khoản 4 Điều 115 theo hướng hạn chế giảm dần và chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bảo đảm phù hợp với quy định của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Cụ thể, quy định “hợp tác xã đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã đó kể từ ngày 1/9/2023 không được tăng tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần và sau 24 tháng kể từ ngày 1/9/2023 phải thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 của Luật này”.
Theo Thời báo Ngân hàng.