Ngày 9/11/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu của Đề tài KH&CN “Quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng số - Thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đối với Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech) và sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng đối với dịch vụ tài chính đã thúc đẩy hệ thống ngân hàng toàn cầu phải thay đổi mô hình kinh doanh. Sự phát triển mạnh mẽ của các sáng kiến công nghệ đã và đang hình thành nên xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ trở thành ngân hàng số.
Mặc dù ngân hàng số là xu thế phát triển tất yếu của hệ thống ngân hàng, nhưng quá trình này đang vấp phải khá nhiều khó khăn, thách thức từ nhiều phía và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những yếu tố này chủ yếu từ những yêu cầu khắt khe về điều kiện để phát triển ngân hàng số là: nhân lực, công nghệ, ngân sách và pháp lý. TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng, từ năm 2007, hành lang pháp lý về phát triển ngân hàng số bắt đầu được hình thành khi Chính phủ ban hành Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ đối với việc cấp phép, quản lý, giám sát các mô hình ngân hàng số mới…
Đứng trước những yêu cầu ấy, Vụ Thanh toán, NHNN đã thực hiện và bảo vệ thành công đạt loại Giỏi Đề tài KHCN cấp Bộ “Quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng số - Thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đối với Việt Nam” do ThS. Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN làm Chủ nhiệm. Đề tài đã cung cấp những lý luận về đặc điểm ngân hàng số; nghiên cứu, đánh giá những kinh nghiệm quốc tế về khuôn khổ quản lý đối với hoạt động ngân hàng số, rút ra những bài học kinh nghiệm có khả năng vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; phân tích tổng thể thực trạng hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động ngân hàng số hiện nay, đánh giá những bất cập và đưa ra những đề xuất, giải pháp trong thời gian tới.
Theo ThS. Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, ngân hàng số đã trở nên khá phổ biến trên thế giới và đã được một số nước triển khai. Tuy nhiên do bối cảnh, khung pháp lý ở Việt Nam chưa hoàn thiện nên việc triển khai ngân hàng số còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cũng đã đưa ra những yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý về những thách thức về hành lang pháp lý. Đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam. Trong đó đề xuất ứng xử chính sách của Việt Nam đối với cấp phép, quản lý các mô hình ngân hàng số; Bổ sung chỉnh sửa quy định thanh tra, giám sát đối với hoạt động ngân ngân hàng số; Chính sách tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ nhằm cải tiến quy trình, nghiệp vụ ngân hàng số và gia tăng trải nghiệm khách hàng…
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đang trong giai đoạn đầu chuyển đổi số. Cho đến nay hầu hết các NHTM đã nhận thức được việc chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà trở thành xu thế tất yếu quyết định vị thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trong tương lai. Điều này được minh chứng qua 95% ngân hàng quan tâm đến chuyển đổi số, 39% ngân hàng đã phê duyệt chuyển đổi số tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin… TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh, NHNN đang trong quá trình triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp lý thức đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số. Với xu hướng và nhu cầu tất yếu cũng như chủ trương, định hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Chính phủ là những điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam cũng như sự phát triển của ngân hàng số trong tương lai.