Trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi do xu hướng số hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu, các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ngày càng khẳng định là một phần quan trọng của hệ thống tài chính vi mô cung ứng tín dụng và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt với QTDND Ngọc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, với những đột phá trong chiến lược cung ứng tín dụng hiệu quả và triển khai dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là sự trợ lực của Ngân hành Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) Chi nhánh Thanh Hóa đã vượt lên những thách thức để thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các thành viên mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
Bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc QTDND Ngọc Sơn
Động lực cho phát triển kinh tế
Với vai trò là cầu nối tài chính giúp thành viên, người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp gia đình tại địa phương tiếp cận nguồn vốn, trong 29 năm hình thành và phát triển, QTDND Ngọc Sơn đã không ngừng mở rộng quy mô tín dụng và cải thiện chất lượng dịch vụ trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ của Quỹ đã đạt 170 tỷ đồng, tăng 9,5 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn của thành viên tại địa phương không ngừng gia tăng, đồng thời Quỹ đã linh hoạt và hiệu quả trong việc huy động và phân bổ nguồn vốn.
Không chỉ là việc tăng dư nợ, chất lượng tín dụng của QTDND Ngọc Sơn cũng là một yếu tố đáng chú ý. Báo cáo hoạt động của Quỹ cho thấy, nợ quá hạn bằng 0% trên tổng dư nợ, một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều tổ chức tài chính khác phải đối mặt với áp lực về nợ xấu.
Điều này đạt được không chỉ nhờ vào công tác thẩm định khoản vay chặt chẽ mà còn từ sự gắn kết giữa Quỹ và các thành viên. Quỹ đã không ngừng hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn của thành viên để đảm bảo khoản vay được sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Sự hỗ trợ tận tình từ Quỹ đã giúp nhiều thành viên cải thiện năng lực tài chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, và tiếp tục mang nguồn vốn dư thừa quay trở lại gửi tiết kiệm, góp phần tạo thêm nguồn lực cho các thành viên khác.
Tỷ lệ huy động vốn từ thành viên ngày càng tăng lên và đạt trên 66% trong tổng nguồn vốn huy động cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với QTDND Ngọc Sơn cũng là minh chứng cho hiệu quả của công tác tín dụng của Quỹ đã tạo ra một mô hình tương hỗ tài chính, giúp cộng đồng phát triển bền vững.
Ngoài việc cung cấp tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, QTDND Ngọc Sơn cũng chú trọng đến việc cung cấp vốn cho các nhu cầu khác của người dân như mua sắm tài sản, xây dựng hạ tầng cơ sở, tiêu dùng…. Đây là những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng số của người dân cũng như gia tăng sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
Cán bộ Co-opBank chi nhánh Thanh Hóa và lãnh đạo QTDND Ngọc Sơn gặp gỡ và trao đổi cùng thành viên của QTDND Ngọc Sơn
Bước chuyển mình đột phá
Song hành cùng cung ứng tín dụng, QTDND Ngọc Sơn đã đạt được những bước tiến lớn trong việc triển khai các dịch vụ thanh toán, đặc biệt là ngân hàng số. Từ năm 2015, Quỹ đã triển khai dịch vụ chuyển tiền điện tử, một giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tính thuận tiện cho các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, bước tiến đáng kể nhất phải kể đến trong những năm gần đây là sự tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số, nổi bật là việc ứng dụng Co-opBank Mobile Banking.
Được sự hỗ trợ của Co-opBank, QTDND Ngọc Sơn đã không chỉ đào tạo cán bộ nhân viên về nghiệp vụ chuyển tiền mà còn chủ động đến từng khu vực dân cư, khu chợ để hướng dẫn khách hàng cài đặt và sử dụng dịch vụ Co-opBank Mobile Banking. Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số của người dân.
Việc triển khai dịch vụ thanh toán qua Co-opBank Mobile Banking đã mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và khách hàng cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý, giảm sai sót, bảo mật thông tin và đơn giản hóa thủ tục giao dịch. Sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ chuyển tiền nhanh chóng và an toàn cũng góp phần nâng cao uy tín của QTDND Ngọc Sơn trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng thương mại khác.
Bên cạnh đó, việc áp dụng ngân hàng số còn giúp Quỹ nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành. Chẳng hạn, việc thanh toán lương qua tài khoản Co-opBank Mobile Banking không chỉ giúp Quỹ tiết kiệm chi phí quản lý mà còn đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong các hoạt động tài chính. Điều này góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy sự gắn kết giữa cán bộ nhân viên và Quỹ.
Sự phát triển mạnh mẽ của QTDND Ngọc Sơn trong cung ứng tín dụng và triển khai ngân hàng số không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên mà còn có tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế địa phương. Với tổng số thành viên đạt 2.066, tăng 162 thành viên so với cuối năm 2023, QTDND Ngọc Sơn đã chứng tỏ mình là một điểm tựa tài chính vững chắc cho thành viên và người dân tại thị xã Bỉm Sơn.
Như chị Nguyễn Thị Phương, chủ tiệm bánh ngọt Cún xinh, phường Ngọc Trạo, nguồn vốn vay 1 tỷ đồng từ QTDND Ngọc Sơn đã giúp chị thực hiện niềm yêu thích làm bánh ngọt, mở rộng quy mô sản xuất từ cá nhân đơn lẻ sang một cơ sở có quy mô có tới 8 lao động trong đó tạo việc làm cho 5 lao động ngay tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Phương cũng đã sử dụng dịch vụ Co-opBank Mobile Banking từ năm 2023, dịch vụ thanh toán thuận tiện, nhanh chóng nhất là khi cửa hàng tập trung mở rộng bán hàng qua mạng như trong thời gian qua. Một ngày bình thường cửa hàng bán đến 30-40 chiếc bánh, ngày lễ thậm chí khách đặt hàng lên đến 200 chiếc bánh.
Khách hàng giao dịch tại QTDND Ngọc Sơn
Không dừng lại ở đó, QTDND Ngọc Sơn còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể và phong trào của địa phương. Những hoạt động này không chỉ củng cố hình ảnh của Quỹ trong lòng người dân mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của xã hội.
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng QTDND Ngọc Sơn cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong bối thị trường biến động liên tục. Trước khó khăn đó, QTDND Ngọc Sơn đã hướng tới đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó mỗi cán bộ nhân viên phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nâng cao trách nhiệm về năng lực quản trị điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát; giáo dục tư tưởng đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn đạo đức lối sống và quy tắc ứng xử cho cán bộ nhân viên nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại Quỹ có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời tập trung huy động tối đa nguồn vốn tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, quảng bá hình ảnh của Quỹ; Tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao và tăng cường quản lý chất lượng tín dụng; Duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định.
Cùng với những nền tảng hoạt động tích lũy gần 30 năm qua và sự chuyển mình trong việc số hóa dịch vụ ngân hàng, Quỹ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các thành viên, Quỹ còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
13.11.2024