05.10.2022 08:48

QTDND dẫn vốn hiệu quả tại khu vực nông thôn

Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả tại khu vực nông thôn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân.

Ảnh minh họa.

QTDND hoạt động tương đối ổn định

Trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của hệ thống QTDND, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, hệ thống QTDND nhìn chung vẫn hoạt động tương đối ổn định. Đến hết 31/8/2022, toàn hệ thống có 1.180 QTDND hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố; tăng trưởng ở các chỉ tiêu cơ bản như tổng tài sản, tổng dư nợ cho vay, tiền gửi của khách hàng, kết quả kinh doanh, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đều có mức tăng so với cuối năm 2021; tỷ lệ nợ xấu 0,57%, giảm so với năm 2021 là 0,64%; 514 QTDND của 37 tỉnh, thành phố hoàn thành việc chuyển tiếp hoạt động theo Nghị quyết số 86, Thông tư 21 từ 30/9/2020 đến quý II/2022.

Về cơ bản, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm đảm bảo tần suất trong vòng từ 2-3 năm đều được đưa vào kế hoạch thanh tra năm; các nội dung thanh tra đã bám sát các quy định của pháp luật, chú trọng đến các nội dung tiềm ẩn rủi ro và  hướng dẫn tại quy định hoạt động của Đoàn thanh tra đối với QTDND ban hành theo Quyết định số 1019 của Thống đốc NHNN.

Về thực tế triển khai, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho biết, dựa trên tinh thần chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các vụ, cục chức năng của NHNN và chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, trong hai năm vừa qua hoạt động của các QTDND đã có sự thay đổi. Cụ thể, sự thay đổi về sổ tiền gửi đã rất kịp thời, chính xác. Công tác giám sát từ xa và giám sát tại chỗ đã thay đổi rất nhiều. Hoạt động của các QTDND đã có sự thay đổi tích cực sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của NHNN, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành.

“Nhiều QTDND nhận ra rằng họ không thể đi một mình mà cần có sự đồng hành của NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi. Điều này cho thấy các QTDND đã có sự thay đổi lớn về tư duy, quan điểm. Đội ngũ quản lý QTDND dần đúng theo Thông tư 21 của NHNN”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Nhanh chóng khắc phục khó khăn, thách thức

Trong nhiều năm qua, Ban lãnh đạo NHNN đã quan tâm và tập trung chỉ đạo xử lý các QTDND yếu kém. Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ phức tạp cần có sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ xử lý các tổ chức trên.

Đề xuất một số giải pháp, ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, cần tăng số lần thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hàng năm; Ngân hàng Hợp tác xã muốn được sát cánh cùng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng trong công tác này để phát hiện sớm các rủi ro để báo cáo chi nhánh NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, bổ sung thêm các phương án để đảm bảo an toàn hoạt động của các QTDND. Trong trường hợp các QTDND có vấn đề, Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm tiền gửi cần vào cuộc nhanh để “chặn đứng” những rủi ro…

Lưu ý đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố liên quan đến phần mềm quản lý QTDND, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát cho rằng, phần mềm tính dự thu/dự chi đảm bảo đúng quy định và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đảm bảo QTDND không can thiệp làm sai lệch ảnh hướng đến kết quả tài chính của QTDND; kiểm tra phần mềm có tự động chuyển nợ quá hạn, hạch toán thoát dự thu các khoản lãi vay của các khoản nợ quá hạn (gốc/lãi)...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị, trong thời gian tới, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần sát sao, quyết liệt để tăng cường vai trò hiệu quả hoạt động cũng như hạn chế rủi ro của các QTDND. Theo đó, chi nhánh NHNN tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo về quản lý các TCTD; Nghiên cứu cơ chế lãi suất của QTDND cho phù hợp và có cơ sở pháp lý cho room tín dụng; cần giám sát chặt tăng quy mô và tăng trưởng nóng của các QTDND. Nếu có hiện tượng tăng quy mô, tăng trưởng nóng để cho vay lãi suất như hiện nay thì phải tìm cách ngăn chặn.

“Về việc chuyển tiếp hoạt động của các QTDND theo Nghị định 86 và Thông tư 21, cơ quan thanh tra phải có tổng kết, rà soát lại để xem tỉnh nào làm trước có kinh nghiệm… sau đó nhân rộng; các đơn vị có các QTDND yếu kém thì cố gắng trên tinh thần càng xử lý nhanh càng tốt, quyết liệt cùng chính quyền địa phương triển khai xử lý, không để kéo dài, không để phát sinh thêm”, Phó Thống đốc lưu ý và yêu cầu thêm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ưu tiên kiểm tra QTDND trước; tiếp tục triển khai kiểm tra chéo, những QTDND có kinh nghiệm sẽ tiến hành kiểm tra chéo; tăng cường kiểm tra cơ quan bảo hiểm tiền gửi và hợp tác xã để xử lý pháp nhân…

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan