09.10.2023 14:19

Phú Thọ: 30 năm xây dựng và phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Sáng ngày 7/10/2023, NHNN Chi nhánh Phú Thọ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và trưởng thành Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (1993-2023). Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, song hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã không ngừng nỗ lực lớn mạnh, trở thành một mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng hiệu quả, khai thác nguồn vốn tại chỗ và cho vay vốn phục vụ sản xuất, đời sống của thành viên, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một chặng đường không ngừng củng cố và hoàn thiện

Nhìn lại giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp khi ấy không đủ sức bao phủ, cung ứng vốn cho nhân dân, xuất hiện hoạt động tín dụng tự phát, làm thay đổi bản chất tín dụng và làm suy yếu vai trò quản lý đồng tiền của ngân hàng. Vì vậy, ngày 27/7/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/TTg triển khai Đề án thí điểm thành lập QTDND.

Đây là một trong những bước đi đầu tiên, cụ thể hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước hình thành nên hệ thống QTDND của cả nước nói chung và hệ thống QTDND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nói riêng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị
Trong giai đoạn đầu thực hiện thí điểm (1993-1995), Vĩnh Phú là một trong 14 tỉnh, thành của cả nước được Trung ương lựa chọn triển khai thí điểm và cũng là một trong những tỉnh ban hành Nghị quyết thành lập Quỹ sớm nhất. Ngày 7/8/1993, Ban Chỉ đạo thí điểm thành lập QTDND tỉnh được thành lập.

Với vai trò chủ lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã bám sát mô hình của Trung ương và chủ trương của tỉnh, chủ động triển khai thành lập các Quỹ. Đợt đầu thực hiện thí điểm, Vĩnh Phú đã thành lập được 16 Quỹ với 3.859 thành viên, số vốn điều lệ 435 triệu đồng, vốn huy động gần 1,8 tỉ đồng, dư nợ cho vay trên 3 tỉ đồng. Từ hiệu quả bước đầu, liên tục trong hai năm 1995, 1996 tỉnh tiếp tục thành lập thêm 46 quỹ, nâng số Quỹ của tỉnh lên 62 Quỹ.

Sau ngày tái lập tỉnh Phú Thọ (1/1/1997), hệ thống quỹ được sắp xếp lại, với 28 Quỹ và một QTDND khu vực. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lấy lại lòng tin trong nhân dân, cùng với đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, NHNN chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Quỹ lựa chọn cán bộ chính quyền địa phương và cán bộ từ các ngân hàng đã nghỉ hưu có năng lực, uy tín tham gia điều hành Quỹ.

Kết thúc giai đoạn thí điểm, 28 Quỹ của tỉnh có tổng nguồn vốn hoạt động gần 41 tỉ đồng với 18.435 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 2,5 tỉ đồng, vốn huy động gần 28,5 tỉ đồng, dư nợ cho vay trên 37,2 tỉ đồng, tỉ lệ nợ quá hạn 3,66%.

Bước vào giai đoạn củng cố, hoàn thiện (giai đoạn 2000-2010), trên cả nước tình trạng Quỹ hoạt động yếu kém tăng cao, chiếm 38,65%, trong đó Phú Thọ có 11/28 Quỹ hoạt động yếu kém, là một trong 21 tỉnh trọng điểm nằm trong diện phải phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của NHNN Việt Nam theo dõi, chỉ đạo việc củng cố, chấn chỉnh.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 57/CT-TW, ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ, NHNN chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, đồng thời xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh, xử lý các Quỹ yếu kém.

Theo đó, tập trung chỉ đạo 10 Quỹ đưa về hoạt động bình thường thông qua việc giới hạn quy mô huy động và cho vay; với Quỹ (QTDND xã Thụy Vân) tiềm ẩn khả năng thất thoát vốn, áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ và hạn chế từng mặt nghiệp vụ, tập trung xử lý thu hồi nợ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, giám sát, tập trung thanh tra các Quỹ tăng trưởng “nóng”, xác định đúng chất lượng tín dụng để có biện pháp xử lý nợ xấu phù hợp, giữ được lòng dân.

Đồng thời tiếp tục chấn chỉnh, củng cố bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát, tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ.

Giai đoạn này, Phú Thọ được đánh giá là tỉnh có nhiều đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Quỹ, nhất là trong việc xây dựng hệ thống mẫu quy trình, quy chế hoạt động Quỹ; xây dựng mẫu Điều lệ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Quỹ, phối hợp tốt với chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc cho các Quỹ...

Từ sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành, địa phương, hệ thống Quỹ đã hoàn thành 100% kế hoạch củng cố, chấn chỉnh. Hết năm 2010, cả tỉnh có 35 Quỹ với 35.319 thành viên, nguồn vốn hoạt động gần 764 tỉ đồng, vốn điều lệ khoảng 25 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay gần 710 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu 0,78%, 34/35 Quỹ kinh doanh có lãi, 100% Quỹ sử dụng phần mềm tiện ích trong giao dịch.

Đẩy mạnh tái cơ cấu để phát triển an toàn, hiệu quả

Tuy nhiên trước những khó khăn của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế năm 2008, không ít tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó, có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Đánh giá hệ thống QTDND Phú Thọ có 21/35 Quỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu nhằm khắc phục những hạn chế nội tại, làm lành mạnh hóa thị trường tài chính và củng cố năng lực hoạt động của từng Quỹ cũng như của cả hệ thống.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và nay là Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, các Quỹ tập trung vào xử lý vấn đề chính đang phải đối mặt đó là nợ xấu, năng lực tài chính và hệ thống quản trị.

NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng tiến hành phân loại các Quỹ tiềm ẩn rủi ro để có giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược có tính đột phá để phục vụ công tác quản lý theo hướng: Tập trung xây dựng hệ thống kết nối thông tin giữa NHNN với các Quỹ; hướng dẫn Quỹ hoạt động theo quy mô dư nợ, tổ chức các phương án mở rộng địa bàn hoạt động, sắp xếp hoạt động sau sáp nhập địa giới hành chính và định hướng tiên lượng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể cá nhân thành tích xuất sắc qua 30 năm xây dựng và trưởng thành
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Ngân hàng, đến nay, toàn tỉnh có 39 Quỹ và 16 Phòng giao dịch, 512 cán bộ, nhân viên, trong đó trình độ thạc sĩ 2%, đại học 86%, cao đẳng, trung cấp 12%; tổng nguồn vốn hoạt động 7.600 tỉ đồng, dư nợ cho vay trên 6.400 tỉ đồng với hơn 53.000 thành viên, vốn điều lệ trên 287 tỉ đồng; 100% Quỹ kinh doanh có lãi, nợ xấu chiếm 0,57% tổng dư nợ và trong tầm kiểm soát; các Quỹ đều có trụ sở làm việc khang trang với trang, thiết bị đáp ứng yêu cầu; 100% Quỹ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch, 34/39 Quỹ tham gia hệ thống chuyển tiền CF-ebank của Ngân hàng HTX...

Tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và trưởng thành hệ thống QTDND Phú Thọ (1993-2023) Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, những kết quả của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hôm nay không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, NHNN Việt Nam đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo rất tích cực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và các cấp chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã phường.

“Đây là sự hỗ trợ có tính chất rất quan trọng, quyết định cho sự ổn định, sau đó là an toàn, lành mạnh và phát triển của hệ thống QTDND” Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận hệ thống QTDND Phú Thọ đi đầu trong hệ thống QTDND trong cả nước, là 1/57 tỉnh thành có hệ thống QTDND hoạt động an toàn hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua việc các QTDND hoạt động nghiêm túc, chấp hành đúng quy định của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng cũng như các chính sách phát triển của tỉnh.

Hai là, các quỹ đảm bảo được các quy chuẩn an toàn, lành mạnh hoạt động, bản thân các QTDND đã cơ cấu và nâng cao năng lực của mình, hoạt động hầu hết có lợi nhuận, an toàn về mặt tài chính, đảm bảo thu nhập cho cán bộ

Ba là, sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ với tư cách là cơ quan quản lý trong nhiều thời kỳ khi là tỉnh đầu tiên, tiên phong xây dựng hệ thống phần mềm kết nối thông tin trực tiếp giữa NHNN chi nhánh và các QTDND trên địa bàn; Chủ động triển khai thực hiện phương án tổ chức sắp xếp hoạt động khi sáp nhập địa giới hành chính; Sớm xây dựng và triển khai Đề án xử lý nợ xấu; Triển khai phương án cơ cấu lại TCTD gắn với từng cấp độ Quy mô hoạt động; là tỉnh đi đầu và triển khai Đề án định hướng tiền lương tới các QTDND. Kết quả chung là sự phát triển an toàn toàn lành mạnh có hiệu quả của hệ thống QTDND trên địa bàn Phú Thọ đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho địa phương, chăm sóc thành viên góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen.

Thay mặt Ban cán sự Đảng NHNN, Phó Thống đốc nhiệt liệt biểu dương thành tích 39 QTDND, vai trò chỉ đạo điều hành của NHNN chi nhánh Phú Thọ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết một số nét lớn về định hướng phát triển của hệ thống QTDND. Trong đó ông nhấn mạnh định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và NHNN khẳng định vai trò và sự cần thiết của mô hình HTX trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Đó chính là mô hình để hệ thống QTDND sẽ tiếp tục được tồn tại, duy trì phát triển góp phần phát triển kinh tế tập thể.

Tuy nhiên, 30 năm phát triển, bên cạnh những thành công, cũng bộc lộ những hạn chế như một số cơ chế hoạt động không còn phù hợp, hoạt động một số QTDND vẫn còn đậm nét thủ công của nhiều năm về trước.

Trong bối cảnh cách mạng cộng nghệ, số hóa, các TCTD đang đa dạng hóa phương thức tiếp cận vốn cho người dân, điều này sẽ ảnh hướng đến phạm vi thị trường hoạt động của QTDND.

"Vì vậy định hướng và nhiệm vụ lớn thứ 2 đặt ra với NHNN là cần phải đổi mới khẩn trương mô hình QTDND phù hợp với thực tế. Phải đổi mới căn bản hệ thống hỗ trợ QTDND" Phó Thống đốc cho biết.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý đặc biệt trong việc sửa luật về tạo điều kiện thuận lợi hơn cho QTDND hoạt động nhưng phải đảm bảo được mục tiêu an toàn, đảm bảo quyền lợi thành viên, chăm sóc thành viên chứ không phải dần dần trở thành ngân hàng đại chúng. Trong hành lang lý hoàn thiện thêm bước nữa là tạo điều kiện cho các QTDND thực hiện đúng tôn chỉ mục đích hoạt động thuận lợi canh tranh.

Bốn là, bản thân các QTDND cần cơ cấu lại chính quỹ mình về năng lực tài chính bằng việc huy động thành viên tham gia tăng vốn điều lệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo năng lực quản lý điều hành, quản trị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành.

Năm là, từng bước nâng cao năng lực liên kết hệ thống đặc biệt là nâng cao vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi hỗ trợ các quỹ khó khăn, tạo cơ chế phát triển sản phẩm cho các QTDND.

Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra giám sát, tăng cường vai trò quản lý vai trò cấp chính quyền đặc biệt là cấp xã phường.

Trên nền tảng những thành quả 30 năm đã đạt được Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt kỳ vọng 39 QTDND Phú Thọ phát triển ổn định, lành mạnh và Phú Thọ tiếp tục là một trong những tỉnh đi đầu trong vấn đề hoạt động có hiệu quả hệ thống QTDND. Ông cũng mong muốn NHNN chi nhánh Phú Thọ tiếp tục năng động sáng tạo, tạo điều kiện, môi trường cho các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ Phạm Trường Giang tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan