22.04.2025 08:29

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xây dựng Co-opBank phát triển đủ mạnh dẫn dắt hệ thống QTDND

Có thể nói sự phát triển của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) là quá trình chuyển đổi và ngày càng hoàn thiện đáp ứng với yêu cầu phát triển của hệ thống QTDND và yêu cầu phát triển của hệ thống các TCTD. Từ mô hình 3 cấp những năm đầu thí điểm đến hệ thống QTDND chuyển đổi sang 2 cấp vào năm 2000 và một lần nữa đổi mới vào năm 2013 khi từ QTDND Trung ương trở thành Co-opBank. Cùng với đó là quá trình chuyển đổi rõ nét hơn sang mô hình Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tiền tệ tín dụng theo Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã; đồng thời phát huy vai trò đầu mối liên kết, hỗ trợ, bảo đảm an toàn của hệ thống QTDND.

Nhìn lại chặng đường phát triển suốt 30 năm qua, có thể khẳng định Co-opBank đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên QTDND thông qua công tác điều hòa vốn, hỗ trợ các QTDND có khó khăn trong hoạt động, đồng thời cũng làm tốt vai trò là công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với hệ thống QTDND thông qua việc thực hiện kiểm tra hoạt động của các QTDND theo chỉ đạo của NHNN.

Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và cả nước đang tiến hành triển khai Chính phủ số, số hóa nền kinh tế, mặc dù nguồn lực tài chính còn hạn chế nhưng thời gian qua Co-opBank đã tích cực hòa vào công cuộc chuyển đổi số cùng toàn ngành Ngân hàng. Quan trọng hơn là tạo nền tảng hỗ trợ các QTDND tiếp cận và từng bước số hóa hoạt động, thông qua công tác đào tạo, chuyển giao sản phẩm dịch vụ. Các sản phẩm dịch vụ hiện đại của Co-opBank về thanh toán, ngân hàng điện tử không chỉ hỗ trợ các QTDND đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thành viên và người dân đặc biệt khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi các NHTM ít tiếp cận, mà còn góp phần nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao sự ổn định và an toàn hệ thống.

Những thành quả của Co-opBank là kết quả của một quá trình xây dựng và phát triển, là trách nhiệm cùng với sự tận tụy sáng tạo, từng bước khắc phục khó khăn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Co-opBank và toàn thể cán bộ nhân viên Co-opBank trong suốt 30 năm không ngừng đổi mới và từng bước hoàn chỉnh cơ chế chính sách, mô hình tổ chức và bộ máy hoạt động từ Trụ sở chính đến các Chi nhánh.

Nghị quyết số 20-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về kinh tế tập thể: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Luật Hợp tác xã 2023 và Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 đã mở ra cơ hội đặc biệt cho hệ thống QTDND và Co-opBank.

Vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của Co-opBank trong suốt 30 năm qua đã được khẳng định bằng những thành quả củng cố, ổn định, an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD hợp tác đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó sẽ tiếp tục được đặt ra cho định hướng phát triển của Co-opBank trong giai đoạn tới, giai đoạn của đất nước chuyển mình cất cánh, giai đoạn phồn vinh và phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu phát triển của hệ thống quỹ, để đáp ứng vai trò sứ mệnh mà Đảng, Chính phủ và NHNN giao phó là Ngân hàng của các QTDND, với mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng Co-opBank trở thành ngân hàng hiện đại, đa năng, đủ mạnh để phục vụ, hỗ trợ các QTDND, Ban lãnh đạo NHNN mong muốn Co-opBank cần phát huy cao độ vai trò liên kết, đầu mối hệ thống QTDND từ việc cải tổ, đổi mới hoạt động một cách phù hợp hơn. Trong đó, Co-opBank cần hướng đến là tăng cường quy mô và năng lực tài chính đảm bảo, mở rộng quy mô hoạt động, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới với vai trò là ngân hàng đầu mối hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động của các QTDND. Phát huy nhiệm vụ mới mà NHNN giao phó, đó là đầu mối xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số cho hệ thống QTDND đến năm 2030.

Trong đó, Co-opBank cần có được nguồn lực tài chính đủ mạnh, tăng thêm vốn điều lệ từ nguồn vốn góp của nhà nước; Cùng với đó là các chính sách và chiến lược thu hút các nguồn tài trợ nước ngoài, các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và sự đóng góp của chính QTDND tham gia với tư cách thành viên. Đồng thời, thiết lập một cơ chế liên kết giữa Co-opBank với QTDND để hình thành nên cơ chế quản lý hệ thống hợp lý an toàn, hoạt động đúng tính chất của mô hình Hợp tác xã.

Trên hành trình này, để hỗ trợ Co-opBank thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra, NHNN sẽ hướng tới việc trao quyền nhiều hơn cho Co-opBank trong giám sát, kiểm tra các QTDND, tiến tới hình thành một cơ chế quản lý, tổ chức vận hành QTDND phù hợp với yêu cầu thực tế, khách quan của nền kinh tế. NHNN cũng sẽ hoạch định sắp xếp mạng lưới các QTDND và chi nhánh Co-opBank một cách hợp lý đảm bảo sự tồn tại và tiếp tục phát huy được vai trò của hệ thống QTDND.

Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, NHNN và chính quyền địa phương, Co-opBank sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đoàn kết và tâm huyết của không chỉ cán bộ, nhân viên Co-opBank mà toàn hệ thống QTDND, thống nhất tôn chỉ mục đích hoạt động, vươn lên đạt nhiều thành tích hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phát huy vai trò và giá trị của một mô hình kinh tế tập thể - mô hình chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Thời báo Ngân hàng


Các tin liên quan