09.03.2021 11:13

Phụ nữ ngành Ngân hàng “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1981 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nghe nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ ngân hàng thời đại số - Tư duy và hành động”.

Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; các đồng chí đại diện Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương; lãnh đạo các vụ, cục thuộc NHNN cùng hơn 300 cán bộ đại diện cho hơn 97 nghìn lao động nữ trong ngành Ngân hàng.


Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Lan tỏa tốt đẹp các phong trào thi đua

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, phụ nữ ngày càng phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước và có rất nhiều phụ nữ nổi danh, thành công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đối với ngành Ngân hàng, theo Phó Thống đốc, với đặc thù tỷ lệ lao động nữ chiếm số đông (gần 59%), chị em đã và đang đảm trách vai trò quan trọng trong các lĩnh vực công tác của Ngành.

Đặc biệt, thời gian qua, cùng với lao động toàn Ngành, lực lượng lao động nữ luôn nỗ lực, cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Các chị đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị, vì sự an toàn và phát triển của Ngành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xã hội phát triển.

Theo Phó Thống đốc, có được thành công to lớn đó là nhờ kết quả của việc phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trong đó đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng.

“Phong trào này đã thực sự trở thành điểm tựa và niềm tin để nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động nỗ lực phấn đấu xây dựng hệ thống ngân hàng mạnh về tài chính, giỏi về quản trị điều hành và hiện đại về công nghệ. Các chị không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi cơ quan, đơn vị mà còn đảm trách tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình”, đồng chí Đào Minh Tú nhấn mạnh.


Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSACA chia sẻ chuyên đề “Phụ nữ ngân hàng thời đại số - Tư duy và hành động”. 

Để phát huy nguồn lực của cán bộ nữ trong Ngành, góp phần giúp cán bộ nữ vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội, Phó Thống đốc đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, cần xác định việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của ngành Ngân hàng. Tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với công việc; từ đó, lựa chọn, giới thiệu những nữ cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, quy hoạch và bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; qua đó tạo điều kiện để cán bộ nữ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Ngành.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”, công đoàn các cấp cần chú trọng hướng đến các giải pháp thực chất, hiệu quả, tiết kiệm; hạn chế hoạt động mang tính hình thức, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, lao động nữ.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp, nguồn lực thúc đẩy, tạo sự thay đổi tích cực cả trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị trong Ngành về công tác cán bộ nữ. Trao cơ hội bình đẳng trong học tập, tiếp cận thông tin và thể hiện năng lực bản thân cho chị em, tạo điều kiện để chị em chăm sóc gia đình…

Thứ ba, cán bộ, đoàn viên, lao động nữ phát huy hơn nữa tinh thần và truyền thống tốt đẹp của người Phụ nữ Việt Nam luôn “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, sáng tạo, chủ động, linh hoạt giải quyết tốt các mối quan hệ giữa gia đình và công việc, xứng với danh hiệu người phụ nữ “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”.

Thứ tư, phụ nữ ngành Ngân hàng có số lượng lớn, với mặt bằng trình độ cao, được đào tạo bài bản, làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc, được đánh giá là có tư duy năng động, đổi mới. Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng các phong trào để phụ nữ ngành Ngân hàng tích cực tham gia các hoạt động an sinh thể hiện trách nhiệm xã hội, có đóng góp vào sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam và của cộng đồng; qua đó góp phần nhất định vào việc xây dựng uy tín, hình ảnh của ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc bày tỏ tin tưởng, với những kinh nghiệm trong triển khai những năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” trong cán bộ, đoàn viên, người lao động của Ngành sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ngành Ngân hàng.


Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 

Cũng tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSACA) đã cuộc nói chuyện với các nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động đang công tác tại NHNN về chuyên đề “Phụ nữ ngân hàng thời đại số - Tư duy và hành động”.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Khánh Chi, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng đã phát động phong trào thi đua năm 2021 và phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2021 - 2025 trong cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng. 

                                                                                                                                                                      Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan