Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời các câu hỏi liên quan đến việc lãi suất tín dụng, khả năng mở rộng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Tín dụng cải thiện song còn thấp so với cùng kỳ năm ngoái
Phó Thống đốc cho biết đến 30/9, huy động tăng khoảng 5,9% (cùng kỳ năm ngoái huy động tăng 7,68%); tổng vốn huy động khoảng 12,9 triệu tỷ đồng. Tín dụng đến thời điểm 20/9 tăng 5,91% và đến hôm nay (30/9), số liệu dự kiến tăng thêm lên khoảng 6,1 - 6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,6 triệu tỷ đồng. “Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng có tăng nhưng không nhanh và đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ năm ngoái thì rõ ràng chậm hơn”, Phó Thống đốc nói.
Nguyên nhân chậm đã nói đến nhiều, do nhiều lý do khách quan, từ khó khăn của nền kinh tế, tác động từ bên ngoài đến khó khăn của doanh nghiệp nên cầu đầu tư, cầu tiêu dùng giảm khiến cầu tín dụng cũng không tăng nhanh được.
Về diễn biến lãi suất, Phó Thống đốc cho biết theo số liệu gần nhất, mức giảm trung bình của cho vay, nhất là những khoản cho vay mới đã giảm khoảng 1-1,5%. Vào đầu năm, NHNN tính toán mức giảm lãi suất khoảng 1% năm nay đã là tích cực nhưng với những thông điệp mạnh mẽ đưa ra từ đầu năm, sau 9 tháng nhìn lại có thể nói là chính sách tiền tệ đã rất cởi mở, nới lỏng. Hiện nay, bình quân cho vay đối với những khoản cho vay ngắn hạn là 5,5-7 %; cho vay trung, dài hạn từ 8,5-10 % (với các khoản cho vay mới).
Còn đối với lãi suất của những khoản có dư nợ từ trước đây (chưa đến kỳ trả nợ, trả lãi) thì còn có độ trễ - là do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây cũng ở mức rất cao (9-12%) - theo tính toán đang ở khoảng 9,3-11%. Độ trễ này trước mắt nhìn ở mức cao, nhưng thực tế khi đến kỳ hạn trả nợ thì giữa các ngân hàng và doanh nghiệp đều có những thỏa thuận theo hướng chia sẻ, hỗ trợ giảm bớt lãi suất từ phía các ngân hàng.
Với tín dụng chính sách cho người nghèo, thu nhập thấp cũng tăng rất cao là 8,19%, với tổng dư nợ 306 nghìn tỷ đồng và khoảng 6,7 triệu khách hàng.
Nhiều giải pháp lớn để mở rộng tín dụng
Về vấn đề làm thế nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn vốn tín dụng, Phó Thống đốc cho biết trước tác động kép của kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp khó khăn, việc tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao sớm khôi phục được nền kinh tế là mục tiêu ưu tiên. Chính vì thế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm NHNN đã đặt ra vấn đề mở rộng tín dụng thông qua 11 giải pháp lớn.
Cụ thể như đã tạo thanh khoản, dư địa cho các tổ chức tín dụng. “Không có câu chuyện thiếu “room” tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại rất thoải mái trong nguồn lực cho vay. NHNN sử dụng các công cụ để tạo nguồn lực, để các ngân hàng thương mại có điều kiện hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN nói.
Tiếp theo là hạ lãi suất điều hành 2% qua 4 lần, đưa ra thông điệp và chỉ đạo của NHNN với các tổ chức tín dụng là hạ lãi suất cho vay. Điều này đang diễn ra rất tích cực, chỉ một tháng gần đây các ngân hàng đã “đua” nhau hạ lãi suất.
Cùng với đó là rà soát, ban hành các văn bản pháp luật, để tạo thêm dư địa, thêm công cụ cho các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu khoản nợ, lãi đến hạn nếu gặp khó khăn (hiện nay đã có khoảng hơn 120 nghìn tỷ đã được thực hiện); ban hành các gói tín dụng ưu đãi chuyên đề như gói 120 nghìn tỷ cho vay mua nhà ở xã hội, gói 15 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản và xuất khẩu gỗ…; tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố; phối hợp với chính quyền địa phương, các hiệp hội, ngành nghề để xác định các cơ chế tháo gỡ khó khăn cụ thể; tăng cường tín dụng chính sách, tín dụng tiêu dùng, chống tín dụng đen… đồng thời để giúp cải thiện cầu tín dụng ngắn hạn.
Một giải pháp gián tiếp là hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, một mặt các ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn; mặt khác ngân hàng tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Hiện 4 tổ chức tín dụng đang duy trì số mua trái phiếu doanh nghiệp trên 231 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc, thông qua các giải pháp trên, rất kỳ vọng tín dụng sẽ tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, tín dụng theo thông lệ sẽ tăng nhanh lên. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận từ 2 phía ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó ngành Ngân hàng đã và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt; đồng thời cần sự tiếp tục đồng hành của các bộ ngành, địa phương và thông qua các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.
12.11.2024