Luật Hợp tác xã 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, liên hiệp Hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Những điểm mới nổi bật
Luật Hợp tác xã (HTX) đã qua 03 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012 và đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển các HTX tại Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 đã chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tập thể nước ta còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật HTX số 17/2023/QH15 thay thế Luật HTX số 23/2012/QH13 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 Chương, 115 Điều, tăng 3 chương và 51 Điều so với Luật HTX năm 2012 (gồm 9 Chương, 64 Điều), gồm những nội dung mới cơ bản.
Luật lần này đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; đồng thời bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.
Luật đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.
Luật đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.
Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể: đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về HTX; thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Cơ hội để HTX nông nghiệp phát triển
Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế.
Nghị quyết cũng nêu phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu nói trên, thành phố cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể như sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng phải đảm bảo sự hài hoà trong tất cả các nghành, lĩnh vực, địa bàn. Đa dạng về các loại hình hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực nông thôn, nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của địa phương. Mỗi huyện, xã có ít nhất 01 HTX kiểu mẫu để nhân rộng mô hình. Đẩy mạnh kết nối, học hỏi kinh nghiệp, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các HTX trong và ngoài thành phố.
Để khu vực kinh tế tập thể, HTX hoạt động có hiệu quả, chất lượng và có chiều sâu, bên cạnh tăng cường quản lý, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Với việc Luật HTX 2023 ra đời và sự quan tâm của Chính phủ, có thể nói mô hình HTX nông nghiệp đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, trên địa bàn TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2026. Ngân sách thành phố sẽ bố trí hơn 519,7 tỷ đồng để hỗ trợ các thành phần kinh tế này, trong đó các HTX nông nghiệp.
Theo Báo Đại Đoàn kết.