Chất lượng nguồn nhân sự là vấn đề cốt lõi quyết định thành công và sự phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Vì vậy, gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ này là nhiệm vụ "sống còn".
Nhân sự số góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Áp lực nhu cầu nhân lực số
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.
Xu hướng đó cũng đã được đưa vào chiến lược của ngân hàng trung ương, "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của NHNN xác định mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỉ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.
Tuy nhiên, để một ngân hàng truyền thống chuyển mình thành ngân hàng số thì cần có sự đầu tư lớn, quyết liệt để đạt được tốc độ cần có, bắt nhịp với thị trường, khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn trên thương trường, theo ông Đào Trung Thành, chuyên gia về lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin. Trong đó, nguồn nhân sự cần phải được huấn luyện, đào tạo lại, cùng với chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển công nghệ AI, Big data, RPA, API, IoT…
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thanh Tâm, Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại thuộc Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tạo ra nhiều vị trí công việc mà trước đây chưa từng có, như chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư lập trình robot, kỹ sư blockchain, nhân viên phân tích tín dụng định lượng.
Bên cạnh đó, chuyển đối số cũng tạo ra những yêu cầu khắt khe hơn về nhân sự từ phía các ngân hàng. Một lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ, nhân viên ngân hàng trong thời đại số không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có kiến thức về kỹ thuật số và năng lực về công nghệ thông tin, khả năng thích nghi và làm chủ được các tiến bộ công nghệ như kỹ năng sử dụng vi tính, Internet, blockchain, fintech…
Trước những đòi hỏi cao đó, nguồn nhân lực phù hợp để tuyển dụng trở nên cung không đủ cầu. Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm và xây dựng nhân sự công nghệ không hề dễ dàng bởi đây là một ngành đặc thù, đòi hỏi nhân sự phải có hiểu biết về chuyên môn và nghiệp vụ ngân hàng. Mặt khác, đào tạo và củng cố bộ máy làm việc thực tế lại chưa thể theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, gây ra tình trạng khan hiếm nhân sự chuyển đổi số trên thị trường.
“Cơn khát” nhân sự chất lượng cao của ngành Ngân hàng cũng khiến điểm tuyển sinh đầu vào tại các trường đại học, cao đẳng ngành này liên tục tăng. Đơn cử, tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, năm 2019 điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng là 21,75 điểm thì đến năm 2020 là 24,85 điểm. Riêng trong năm 2021, thí sinh phải đạt 862/1200 điểm bài thi đánh giá năng lực - mức điểm chuẩn cao Top đầu trong các mã ngành của trường - mới được vào học.
Phá vỡ thế khó, đón đầu xu hướng
Theo nghiên cứu của Navigos Group về xu hướng tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm 2021, số lượng chỉ tiêu tuyển dụng mới ngành Ngân hàng và một số ngành khác tập trung cho một số vị trí, trong đó có mảng công nghệ thông tin phục vụ phát triển hệ thống và chuyển đổi số. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, trong đó mảng công nghệ, dữ liệu cũng được liệt kê.
Xu hướng này đã được nhiều ngân hàng dự báo trước, vì vậy việc nhanh chóng đào tạo và tuyển dụng nhân lực số đang được các ngân hàng đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MBBank mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một doanh nghiệp công nghệ.
Vì vậy, ngân hàng này đã đề cao sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc tương tự một công ty công nghệ, giúp nhanh chóng phát triển đội nhóm nhân sự công nghệ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ với thái độ sẵn sàng ứng biến nhanh với đổi mới công nghệ, có năng lực xử lý vấn đề và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số tốc độ cao.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Hải An, Giám đốc vận hành Ngân hàng số Timo cho biết, ngân hàng quan tâm phát triển nhân sự mảng Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo) để tận dụng được nguồn dữ liệu, kiến thức từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất cho khách hàng. Bên cạnh tuyển dụng, ngân hàng còn đầu tư dài hạn vào đào tạo, phát triển nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các chính sách phúc lợi để giữ chân nhân tài.
Trước xu hướng thay đổi công nghệ của các ngân hàng, các trường đào tạo đã kịp thời bổ sung các môn học công nghệ số vào chương trình đào tạo. Đơn cử, từ năm 2008, Học viện Ngân hàng đã bắt đầu đào tạo ngành hệ thống thông tin quản lý, cung cấp cho thị trường hàng nghìn nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ (tập trung tại các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ) đã nhận được đánh giá rất tốt từ các đơn vị tuyển dụng. Bước sang năm 2021, trường đã chính thức tuyển sinh thêm ngành Công nghệ thông tin.
Đại diện Học viện Ngân hàng cho biết, điểm khác biệt và nổi bật trong hoạt động đào tạo sinh viên công nghệ tại trường là việc chú trọng tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Sinh viên được tiếp xúc với các doanh nghiệp công nghệ từ rất sớm, thực hành trên những nền tảng công nghệ mới, có nhiều thời gian thực tập tại doanh nghiệp...
Theo Thời báo Ngân hàng.