19.05.2021 08:55

Nhớ lời Bác Hồ dạy, cán bộ Ngân hàng hết lòng phụng sự nhân dân

Hôm nay, kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (19/5/1890 - 19/5/2021). Cũng trong tháng 5 lịch sử này, ngành Ngân hàng Việt Nam vừa kỷ niệm tròn 70 năm thành lập. Trong thời khắc ý nghĩa này, nhớ những lời dạy của Bác Hồ năm xưa, từng thế hệ cán bộ Ngân hàng luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, phấn đấu thi đua lao động, học tập, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.


Bác Hồ với đồng chí Nguyễn Lương Bằng ,Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ảnh chụp ngày 19/5/1957)

Khắc ghi những lời Bác dạy 

Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, tại buổi nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đảng ngày 18/01/1949, Bác Hồ đã chỉ rõ, ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà nhưng cũng phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.

Đặc biệt, cần, kiệm, liêm, chính là những điều Bác luôn căn dặn cán bộ, Đảng viên phải nêu gương. “Khi có việc đáng làm, việc ích nước lợi dân, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù hao tốn bao nhiêu công, tiêu hao bao nhiêu tiền của cũng sẵn sàng, nhưng khi không cần tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, không được tiêu”.

Trong những cuộc họp, hay trong những lần gặp mặt cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ nói chung, cán bộ ngân hàng nói riêng, mà mục đích sâu xa nhất vẫn là mọi hoạt động phải vì dân, phải nâng cao đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước.

Sau khi ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tháng 02/1952, Hội nghị cán bộ Tài chính - Ngân hàng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc. Bác đã đề cập rất cụ thể, cán bộ tài chính – ngân hàng phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy, cho nên cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến.

Bên cạnh đó, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngân hàng dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Bác mong rằng: Các chiến sĩ tài chính - ngân hàng ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự.

Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng tháng 1/1965, Bác cũng đã căn dặn về các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng.

“Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng” diễn ra vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định, đã gần 70 năm trôi qua, nhưng đến nay, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và đặc biệt thiết thực, gắn sát với nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng trong tình hình mới.

Nhìn về lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã có hàng trăm cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, hàng vạn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa cách mạng. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành. NHNN đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành Ngân hàng đã tăng cường mở rộng hợp tác song phương và đa phươntrong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Qua đó, góp phần đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng và quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Đặc biệt, trong năm 2020 dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt kinh tế. Khắc ghi lời dạy phụng sự nhân dân của Bác, ngành Ngân hàng đã đưa nhiều giải pháp hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, ngân hàng đã nhiều lần hạ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Ngành Ngân hàng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, biện pháp phù hợp với thực tế tình hình, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng như: Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch…

Không chỉ phấn đấu thi đua lao động, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, noi gương Bác, các cán bộ Ngân hàng đã không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII về chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phong trào thi đua “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến; luôn rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; không có biểu hiện suy thoái, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

Ghi nhận thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong 70 năm qua, NHNN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng năm 2006; 3 lần được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996, 2001, 2016); 3 đơn vị (B29, N2683, C32) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; nhiều đơn vị trong ngành được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; hàng ngàn tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng được Đảng, Nhà nước ghi nhận những đóng góp bằng các phần thưởng cao quý.

Như vậy, có thể thấy, những tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hoạt động của ngành Ngân hàng đã giúp các cán bộ ngân hàng đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và là kim chỉ nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành. Thực thi đạo đức công vụ, vận dụng sáng tạo vào lĩnh vực chuyên môn được giao theo lời dạy của Bác đã giúp ngành Ngân hàng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như vừa qua. Qua đó, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan