Chiều ngày 31/3/2022, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng Đoàn công tác NHNN đã làm việc với Lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Về phía đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có sự tham dự của đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc.
Ngành Ngân hàng luôn lắng nghe, nắm bắt ý kiến của cử tri
Mở đầu buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ và sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội, trong đó có Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Sự quan tâm, ủng hộ đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, giúp NHNN hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ và là cầu nối quan trọng giúp tiếng nói của ngành Ngân hàng đến gần hơn với cử tri, tạo điều kiện cho các chính sách, giải pháp về tiền tệ - ngân hàng nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Trên tinh thần đó, tại buổi làm việc lần này, bên cạnh chia sẻ kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, NHNN báo cáo một số nội dung chính các cử tri quan tâm; Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; Tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 và giới thiệu dự án Luật Phòng, chống rửa tiền…
Báo cáo tóm tắt các nội dung trên, Chánh Văn phòng NHNN Trần Anh Tuấn cho biết, là một trong những ngành có các chính sách và hoạt động gắn bó gần gũi với đời sống sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Với tinh thần cầu thị, ngành Ngân hàng luôn lắng nghe, tiếp cận sâu sắc thực tiễn, chỉ đạo NHNN chi nhánh cũng như các TCTD trên toàn quốc, thường xuyên nắm bắt ý kiến, kiến nghị để giải quyết triệt để từ cơ sở; luôn xem việc trả lời ý kiến của cử tri là việc làm thường xuyên và không chỉ tập trung vào các kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, chủ động bám sát hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội để nắm bắt những vấn đề đại biểu quan tâm, kịp thời giải trình, báo cáo, cung cấp thông tin nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động giám sát của Quốc hội.
Kết quả là, từ đầu khóa XV đến nay, NHNN đã trả lời 58 kiến nghị cử tri; 02 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; giải trình 25 ý kiến của đại biểu Quốc hội có liên quan đến ngành Ngân hàng tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận Hội trường; đồng thời, định kỳ, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng đến các đại biểu Quốc hội.
Đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa, NHNN đã chỉ đạo Chi nhánh định kỳ báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội kết quả hoạt động ngân hàng; yêu cầu các TCTD trên địa bàn tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt và kịp thời giải đáp, xử lý các kiến nghị của cử tri có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương. Do đó, từ kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đến nay, ngành Ngân hàng không nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri Thanh Hóa.
Về các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ giao, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của NHTM cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cho vay.
Quang cảnh buổi làm việc.
Một nội dung trọng tâm Đoàn công tác NHNN báo cáo tại buổi làm việc là Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 42 và đề xuất ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42.
Từ thực tế triển khai, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao sự phối hợp của NHNN đối với đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng như trách nhiệm của NHNN đối với cử tri, người dân. Những kiến nghị của cử tri đều được NHNN nắm bắt kịp thời, trả lời thoả đáng và được nhân dân đồng tình. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chi nhánh NHNN và các NHTM trên địa bàn tỉnh nên nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, nhất là vốn chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đồng bộ có chiều sâu, dư nợ cao, rủi ro nợ xấu thấp, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Liên quan đến Nghị quyết 42, đồng chí Mai Văn Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá tích cực hoạt động xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh so với trước khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống. Riêng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 72 nghìn tỷ đồng nợ xấu, thu về được trên 2.400 tỷ đồng. Nếu không có Nghị quyết 42, thu nợ qua con đường khởi kiện rất vất vả. Do vậy trước mắt, theo ông Hải việc kéo dài Nghị quyết 42 thêm 2 năm là chủ trương đúng. Sau đó sẽ nghiên cứu xây dựng thành Luật Xử lý nợ xấu.
Tập trung cung ứng đủ vốn cho kinh tế địa phương
Tại buổi làm việc, trao đổi thêm về công tác điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong những năm vừa qua, NHNN quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống tập trung hạ lãi suất, cung ứng đầy đủ vốn cho cả nước.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, thống kê trong 5 năm gần đây của ngành Ngân hàng, tốc độ tăng trưởng huy động, tín dụng khá ấn tượng khi là 3/14 tỉnh có quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trên cả nước, cơ cấu kinh tế gắn chặt với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp…
“Quy mô tín dụng lớn đồng nghĩa với việc nhiều người dân, doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo cụ thể hơn về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa Tống Văn Ánh cho biết, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến ngày 28/2/2022 đạt 130.886 tỷ đồng tăng 3,68% so với đầu năm. Đối với hoạt động cấp tín dụng ước đến cuối tháng 3/2022, quy mô dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 158.000 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021, cơ cấu tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ ở mức 0,76%.
Đặc biệt, bám sát chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cùng với các TCTD trên địa bàn đã vào cuộc mạnh mẽ, chủ động làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Kết quả sơ bộ đến thời điểm này, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 3.000 khách hàng với tổng giá trị nợ 4.378 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng với số tiền đạt 68.082 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi vay cho 288.329 khách hàng với tổng giá trị nợ được miễn giảm 87.478 tỷ đồng... góp phần tích cực vào kết quả chung của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua.
Ở góc độ NHTM, chia sẻ thêm tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Thanh Hóa là địa bàn ngân hàng rất tập trung để phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn mới khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 37/2021/QH15 thí điểm cơ chế đặc thù phát triển Thanh Hóa là xung lực rất lớn cho tỉnh.
Agribank cùng các NHTM cũng tạo mọi điều kiện, sẵn sàng cung ứng đầy đủ vốn phục vụ phát triển tỉnh. Hiện tại, ngân hàng chịu nhiều sức ép từ lạm phát, động thái tăng lãi suất của Fed đang gây khó khăn cho điều hành của NHNN cũng như các NHTM để giữ mặt bằng lãi suất thấp. Song, chúng tôi sẽ thực thi đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, ông Phạm Đức Ấn chia sẻ.
Qua báo cáo của các đại biểu và từ thực tiễn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao hoạt động của NHNN trong những năm qua. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động dịch bệnh, nhưng toàn ngành Ngân hàng đã làm được 5 việc lớn. Đó là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng, thông qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, theo chia sẻ của đồng chí Hưng, trong những năm qua, ngành Ngân hàng rất quan tâm tới quy chế phối hợp, cung cấp thông tin chủ động, thực thi các vấn đề có liên quan, lắng nghe chia sẻ các vấn đề cử tri quan tâm, tạo sự đồng thuận lớn. Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân trên 11%.
“Để đạt mục tiêu đó, trong các chỉ tiêu tỉnh quan tâm đó là chỉ tiêu huy động vốn để phục vụ phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh Thanh Hóa mong muốn cùng với sự quan tâm đầu tư cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho tỉnh Thanh Hóa”, đồng chí Hưng chia sẻ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn Ban lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tới hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong những năm qua.
Thống đốc NHNN vui mừng khi nhận sự ủng hộ của Lãnh đạo tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đối với chủ trương kéo dài Nghị quyết 42 và xa hơn là xây dựng Luật Xử lý nợ xấu.
“Ở đây không chỉ là vấn đề xử lý nợ xấu, tăng tính kỷ luật của hệ thống ngân hàng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn, nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc tế và quy định này cho phép bảo vệ ngân hàng, cũng chính là bảo vệ người gửi tiền. Nếu Quốc hội ủng hộ thì cũng sẽ được quốc tế đánh giá cao”, Thống đốc chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế khó khăn đến từ nhiều phía như dịch bệnh, lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, đặt ra những thách thức với hoạt động ngân hàng. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo NHNN thời gian tới quyết tâm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống duy trì đóng góp vào sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai các chương trình phục hồi, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn tới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá tiện ích dịch vụ ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của người dân.
Thống đốc đề nghị NHNN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục trở thành cánh tay nối dài của NHNN trong việc triển khai các cơ chế, chính sách, nhất là chương trình phục hồi, chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để NHNN chỉ đạo...
Với các NHTM Nhà nước, Thống đốc yêu cầu tiếp tục quan tâm đến tỉnh Thanh Hóa, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như công tác an sinh xã hội. Bởi, đây là tỉnh vừa có vị trí chiến lược nhưng cũng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm.
Bên cạnh nỗ lực của Ngành, Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc với hoạt động ngân hàng.
* Chiều cùng ngày, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cùng Đoàn công tác NHNN tới thăm và làm việc tại NHNN chi nhánh tỉnh Thanh Hóa. Cùng tham dự với Đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Thi.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024