Cuối tháng 3/2021, NHNN có văn bản số 1854/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa Trước đó, vào đầu tháng 3/2021 NHNN đã có công văn số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 (khởi phát tại Hải Dương từ ngày 27/1/2021) đã ảnh hưởng nặng nề nhất và tác động trực tiếp tại tỉnh Hải Dương, do đó cần có chính sách hỗ trợ riêng đối với khách hàng vay vốn và cho cả các chi nhánh tổ chức tín dụng tại địa bàn. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh và đề xuất của NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng (gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Á Châu; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Ngân hàng TMCP Quân Đội; Ngân hàng TMCP Quốc Tế; Ngân hàng TMCP Sài Gòn; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex) báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 1370/NHNN-TD ngày 5/3/2021. Theo NHNN, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 với tốc độ lây lan nhanh, trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại và gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, sản xuất toàn nền kinh tế. Vì vậy NHNN đề nghị các ngân hàng nghiên cứu, xây dựng các chương trình/sản phẩm, giải pháp cụ thể, đặc thù của từng ngân hàng để hỗ trợ cho khách hàng và hỗ trợ cho các chi nhánh, đơn vị kinh doanh của ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hiện NHNN đang tiến hành sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19. Triển khai thực hiện Thông tư 01, trong năm 2020 các tổ chức tín dụng đã gia hạn nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ trên 355.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng còn tiến hành cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng. Ngay những ngày đầu năm mới 2021, nhiều ngân hàng đã tiếp tục hạ thêm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Đơn cử Vietcombank đã giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021, Theo đó đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn đối với khách hàng cá nhân, giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. HDBank cũng tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, lãi suất hấp dẫn chỉ còn từ 3%/năm – tùy chương trình. Chẳng hạn để tiếp tục chương trình “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua”, tháng 2/2021, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Hỗ trợ này lập tức có hiệu lực từ nay đến 31/12/2021… Việc các ngân hàng tích cực vào cuộc hỗ trợ khách hàng cũng bởi bản thân các ngân hàng xác định hỗ trợ khách hàng là “tự cứu chính mình”. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, bản thân các ngân hàng cũng chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 như tín dụng tăng chậm, nợ xấu có xu hướng tăng… Bởi vậy, các ngân hàng cũng mong muốn các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ để ngân hàng có thể hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. | |
Theo Thời báo Ngân hàng |